Bộc lộ cảm xúc

Bộc lộ cảm xúc


Những cảm xúc bị kìm nén là những cảm xúc mà bạn chọn không thừa nhận, từ đó bạn không hành động để thể hiện các cảm xúc ấy ra bên ngoài. Thế nhưng có một sự thật bạn cần lưu ý là cảm xúc không bao giờ có thể thực sự bị kìm nén, vì thế chúng phải được bộc lộ ra ngoài theo cách này hay cách khác, nếu không, chúng sẽ gây ra các hệ quả khôn lường mà chúng ta chẳng mảy may để ý, như:

  • Những phụ nữ kìm nén cảm xúc trong một nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy họ bị tăng huyết áp, bị gián đoạn cuộc giao tiếp và ngăn cản quá trình hình thành mối quan hệ;
  • Trong một nghiên cứu kéo dài 12 năm, ức chế cảm xúc có liên quan đến nguy cơ tử vong do ung thư và bệnh tim mạch cao hơn đáng kể;
  • Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia là nam giới trưởng thành, những người kìm nén cảm xúc của mình sau khi xem một đoạn phim đau buồn, đã trải qua tình trạng đau khổ nhiều hơn và nhịp tim tăng lên; ...

Và còn nhiều nghiên cứu khác chứng minh sự thật rằng kìm nén cảm xúc không mang đến lợi ích gì chúng ta, ngược lại, nếu chúng ta thoải mái thể hiện cảm xúc trong các hoàn cảnh phù hợp, điều đó lại mang đến nhiều ích lợi cả về thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.

Làm thế nào để chúng ta có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc?

‘Bộc lộ cảm xúc’ không hẳn chỉ có một cách mình thể hiện trực tiếp những gì mình đang cảm thấy ra cho đối phương biết, hiện nay có rất nhiều phương tiện cực kỳ hữu ích cho chúng ta trong việc này, chẳng hạn như:

Thừa nhận và gọi tên cảm xúc

Nhận ra mình đang cảm thấy như thế nào một cách cụ thể là một điều quan trọng, chúng không nhất thiết phải biểu đạt điều này bằng lời nói mà có thể thừa nhận nó trong nội tâm của chính mình. Việc nhận biết một cách có ý thức những cảm xúc sẽ làm giảm tác động của những cảm xúc ấy, bằng cách sử dụng một vài từ để mô tả trạng thái cảm xúc mình đang cảm thấy.

Viết

Viết về một chủ đề, sự kiện, hay cảm xúc, suy nghĩ của mình trong sự kiện của ngày hôm đó, đây có thể gọi nôm na là viết nhật ký, viết văn, kể chuyện, tản mạn hay bất cứ tên gọi nào cho hình thức ‘viết’ này. Đây là hoạt động được giới chuyên môn đánh giá cao bởi độ hiệu quả của chúng, như một nghiên cứu vào năm 2009 đã cho thấy, những người viết về cảm xúc và suy nghĩ của mình, họ báo cáo mức độ hạnh phúc tâm lý và đưa ra giải pháp cho vấn đề của bản thân cao hơn so với các nhóm khác.

Một số hoạt động khác hữu ích không kém dành cho những ai muốn trải nghiệm sự đa dạng như: vẽ, nặn đất sét, cắt ghép thủ công,...


Tóm lại

Như một vị anh hùng dân tộc người Ấn - Mahatma Gandhi đã nói: “Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm hài hòa với nhau”.

Hãy thể hiện các cảm xúc mà mình đang cảm thấy bằng cách này hay cách khác, vì đây là một trong những cách chúng ta sở hữu một cuộc sống thoải mái và tốt đẹp hơn.


Tham khảo

  • Barclay, L. J., & Skarlicki, D. P. (2009). Healing the wounds of organizational injustice: Examining the benefits of expressive writing. Journal of Applied Psychology, 94(2), 511–523.
  • Butler, E. A., Egloff, B., Wlhelm, F. H., Smith, N. C., Erickson, E. A., & Gross, J. J. (2003). The social consequences of expressive suppression. Emotion, 3(1), 48.
  • Heather S. Lonczak (2020). How to Express Your Feelings: 30+ Emotional Expression Tips. Retrieved from https://positivepsychology.com/express-emotions/
  • Korb, A. (2015). The upward spiral: Using neuroscience to reverse the course of depression, one small change at a time. New Harbinger Publications.
  • Lucy Cousins (2022). Can Always Staying Positive Be Bad For Our Health?. Retrieved from https://www.psychmechanics.com/effects-of-suppressing-your-emotions/