Giới thiệu

Theo thống kê của tổ chức WHO cho thấy cứ 1000 học sinh Việt Nam trong độ tuổi 10 - 16 thì có 194,6 học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Theo UNICEF tỷ lệ này từ 8 - 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Các nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Trong hội thảo “Sức khỏe tâm thần học đường” được tổ chức vào tháng 3/2022 đã báo cáo trong hơn 40.000 ca tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong cùng kỳ năm trước đó, tỉ lệ tự tử cao nhất ở thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi, các vấn đề về trầm cảm, lo âu tăng 3 - 5 lần so với bình thường. 

Quyết định 1442 tháng 6/2022 của Bộ GD&ĐT về chương trình giáo dục sức khoẻ tâm thần cho học sinh trong giai đoạn 2022 – 2025 cũng nêu rõ “cần tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác trong trường học góp phần hỗ trợ can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh”. 

Phòng Tâm lý học đường trực tuyến là gì?

Phòng Tâm lý học đường trực tuyến là một dự án được thực hiện từ tháng 10/2022 dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. Được thực hiện bởi Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 với sự phối hợp của Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt.

Đây là một giải pháp tư vấn tâm lý học đường mới nhằm trang bị kỹ năng, phòng ngừa, đánh giá và can thiệp tâm lý học sinh, giúp các em giải quyết những vấn đề tâm lý một cách hiệu quả. Chương trình gồm 03 nội dung chính:
  • Một là, giúp học sinh nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tinh thần như áp lực, căn thẳng, trầm cảm, lo âu,… trong học tập và các mối quan hệ bằng cách giáo dục kỹ năng, tổ chức tập huấn, chuyên đề dưới cờ.
  • Hai là, phát hiện sớm để can thiệp và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện rối nhiễu tâm lý ở học sinh bằng mô hình tư vấn tâm lý tại trường học.
  • Ba là, đồng hành hỗ trợ các vấn đề tâm lý của học sinh khi tương tác trong các mối quan hệ ở gia đình và ngoài xã hội 24/7 thông qua ứng dụng điện thoại.

Mục đích của dự án là gì?

  • Nhằm cung cấp thông tin nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề tâm lý và trang bị kiến thức giúp học sinh tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần.
  • Tư vấn 24/7 hỗ trợ học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý kịp thời.
  • Phát hiện kịp thời các rối loạn tâm lý ở học sinh nhằm ngăn ngừa hoặc làm giảm hậu quả của các hệ luỵ và các tình huống không mong muốn.


Dự án có điều gì đặc biệt?

  • Dự án có 04 Địa chỉ tư vấn Tâm lý trực tiếp được đặt trên địa bàn Quận tại hai trường: THCS Bạch Đằng và THCS Colete. Học sinh trên địa bàn Quận có thể đến để gặp chuyên gia tư vấn.
  • Có hệ thống tư vấn tâm lý trực tuyến cho học sinh Quận 3 qua website quan3.tamlyhocduong.org.
  • Và các chương trình khác được tổ chức tại các đơn vị trường thuộc PGD&ĐT Quận 3.

Danh sách các địa chỉ tư vấn - trị liệu Tâm lý tại Quận 3


Địa điểm

Thời gian

Chức năng chính

Phòng Tâm lý học đường Số 1 -

Tại Trường THCS Colette(10 Hồ Xuân Hương, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3)

- Sáng thứ hai

- Chiều thứ tư

- Sáng thứ năm

Tham vấn tâm lý;

Đánh giá tâm lý.

Phòng Tâm lý học đường Số 2 –

Tại Trường THCS Bạch Đằng (386/42 Lê Văn Sĩ, Phường 14, Quận 3)

- Sáng thứ hai

- Sáng thứ sáu

- Chiều thứ sáu

Tham vấn tâm lý;

Đánh giá tâm lý.

Phòng Tâm lý học đường Số 3 –

Tại Trường THCS Hai Bà Trưng (295 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3)

- Sáng thứ ba

- Chiều thứ năm

Tham vấn tâm lý;

Đánh giá tâm lý.

Trung tâm Trị liệu tâm lý Ý Tưởng Việt (225/23a Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3)

9h00 – 17h00 từ thứ hai - thứ sáu.

Trị liệu tâm lý.


THOẢ THUẬN SỬ DỤNG DỊCH VỤ

I. THOẢ THUẬN CHUNG

Điều 1. Toàn bộ nội dung trình bày trong thoả thuận này là chứng từ pháp lý nhằm ghi nhận các nội dung thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ là Chi hội Tâm lý học Trường học Ý Tưởng Việt (sau đây gọi tắt là Ý Tưởng Việt) và người trực tiếp sử dụng dịch vụ (học sinh có tài khoản trên hệ thống tư vấn trực tuyến).
Điều 2. Các tranh chấp và mọi vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của hai bên do hoạt động tư vấn tâm lý trực tuyến gây ra, do chủ quan hoặc khách quan đều phải được giải quyết dựa trên nguyên tắt tôn trọng quyền lợi của học sinh, đảm bảo nguyên tắc đạo đức hành nghề của Nhà Tâm lý học và theo quy định của pháp luật.

II. QUYỀN RIÊNG TƯ

Điều 3. Học sinh có quyền cung cấp hoặc ẩn danh khi thực hiện hoạt động tư vấn tâm lý trực tuyến. Thông tin học sinh cung cấp được bảo mật tuyệt đối, chỉ lưu trữ trên thiết bị của học sinh, không lưu trữ trên máy chủ của hệ thống.
Điều 4. Mọi thông tin cuộc trò chuyện của học sinh với chuyên gia tâm lý học đường được bảo mật tuyệt đối.
Điều 5. Khung thời gian tư vấn từ 8h00 - 22h00 hằng ngày, ngoài thời gian này học sinh không thể tư vấn trực tuyến. Học sinh có nhu cầu tư vấn trực tuyến phải đợi đến khung giờ quy định, Ý Tưởng Việt không có trách nhiệm giải quyết các trường hợp cần tư vấn khẩn cấp qua hình thức trực tuyến.
Điều 6. Ý Tưởng Việt có quyền từ chối trách nhiệm trong các trường hợp có hại do học sinh chủ động hoặc bị động thực hiện mà không theo sự hướng dẫn hoặc làm trái hướng dẫn của chuyên gia tâm lý học đường. Cụ thể:
- Học sinh tự ý bỏ học, không tham gia hoạt động học tập tại trường dẫn đến thành tích học tập tụt dốc.
- Học sinh có ý định hoặc thực hiện hành vi gây hại cho bản thân, hành vi toan tự sát, hành vi tự sát.
- Học sinh thực hiện hoặc tổ chức thực hiện hành vi bạo lực học đường.
- Học sinh vi phạm pháp luật.
Điều 7. Học sinh có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định cho hành vi của mình. Lời tư vấn và nội dung mà chuyên gia tâm lý học đường tư vấn không quy định cách hành xử và định hướng hành vi cho học sinh.
Điều 8. Học sinh có quyền được biết danh tính và công việc của chuyên gia tư vấn tâm lý, được quyền biết về tiến trình và cách thức tư vấn tâm lý trực tuyến.
Điều 9. Hoạt động tư vấn tâm lý hoàn toàn miễn phí. Hoạt động trị liệu tâm lý sẽ được tính phí công khai theo biểu phí của Ý Tưởng Việt và chỉ tính khi có được đồng ý của cha mẹ học sinh khi chuyển ca từ tham vấn sang trị liệu.
Điều 10. Nội dung cuộc trò chuyện lưu trữ trên 01 thiết bị, nếu đăng nhập thêm thiết bị khác sẽ có hai nội dung trò chuyện khác nhau. Mỗi thiết bị sẽ được bảo vệ bởi một mật khẩu do bạn thiết đặt, không ai biết được nội dung cuộc trò chuyện nếu bạn không tiết lộ mật khẩu.