Tam giác hướng nghiệp

Tam giác hướng nghiệp


Tâm lý học K.K. Platonov đã đưa ra khái niệm “Tam giác hướng nghiệp”, gồm ba yếu tố trọng tâm của công tác hướng nghiệp cho học sinh chính là: định hướng nghề nghiệp, tư vấn nghề và tuyển chọn nghề. Nhà trường và xã hội thực hiện tốt ba khâu này thì học sinh sẽ ít chênh vênh hơn khi lựa chọn nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Trên thực tế, nhiều nhà giáo dục làm công tác hướng nghiệp vẫn chưa nhìn nhận và xác định đúng vai trò của từng khâu và có xu hướng đi vào tư vấn nghề nhiều hơn. Nhưng ngay cả tư vấn nghề họ lại chệch hướng ý nghĩa của nó khi chỉ giới thiệu trường mà không chú ý về sự phù hợp của các đặc điểm tâm lý ở mỗi cá nhân với ngành nghề. Chính vì vậy, việc hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của từng khâu, từng yếu tố trong công tác hướng nghiệp cho học sinh là một điều cần thiết hiện nay.

1. Định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp là việc thông tin cho học sinh về đặc điểm hoạt động và yêu cầu phát triển của các nghề trong xã hội, đặc biệt là những nghề và những nơi đang cần nhiều lao động trẻ tuổi có văn hoá, về yêu cầu tâm sinh lý của mỗi nghề, về tình hình phân công và yêu cầu điều chỉnh lao động ở cộng đồng dân cư, về hệ thống trường lớp đào tạo nghề của Nhà nước, tập thể và tư nhân. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh thực chất là giáo dục nghề nghiệp và tuyên truyền nghề nghiệp. Đây chính là những yêu cầu cơ bản nhất.

Trong giáo dục nghề nghiệp, nhà trường và xã hội giúp học sinh làm quen với một số nghề cơ bản, phổ biến của địa phương và xã hội, đồng thời tìm hiểu xu thế phát triển các ngành nghề cùng với những yêu cầu tâm sinh lý do ngành, nghề đó đặt ra cho người lao động.

Đồng thời, tạo điều kiện ban đầu để học sinh phát triển năng lực tương ứng với hứng thú nghề nghiệp đã hình thành. Một điều quan trọng trong giáo dục nghề nghiệp là giáo dục học sinh thái độ lao động đúng đắn, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong dự định chọn nghề cuả học sinh.

Trong tuyên truyền nghề nghiệp cho học sinh, cần làm cho học sinh chú ý đến những nghề đang phát triển có nhu cầu cấp thiết về nhân lực, đang cần lực lượng lao động trẻ (công nhân kỹ thuật, công nghiệp, giao thông, du lịch, dịch vụ, doanh nghiệp…). Song song đó, là giới thiệu các gương lao động dũng cảm, sáng tạo trong sản xuất và đời sống xã hội, qua đó điều chỉnh hứng thú, động cơ chọn nghề của học sinh.

2. Tư vấn nghề nghiệp

Cùng với định hướng nghề nghiệp là tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Tư vấn nghề nghiệp nhằm giúp học sinh có thể định hướng nghề đúng đắn hơn hoặc sẽ chuẩn bị tốt hơn đối với việc xin được tuyển vào làm việc trong một nghề nào đó. Để đảm bảo mặt này, nhà trường cần làm các nhiệm vụ cụ thể như: khảo sát, đánh giá các đặc điểm về thể chất, trí tuệ, hứng thú, hoàn cảnh… của học sinh, đối chiếu những đặc điểm đó với đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề; trên cơ sở đó cho học sinh những lời khuyên về chọn nghề có căn cứ khoa học.

Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh Trung học được xem là nhiệm vụ cơ bản của giáo dục hướng nghiệp. Đây là một yêu cầu cơ bản trong nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho học sinh Trung học trong thực tiễn giáo dục ở nhà trường hiện nay.

3. Tuyển chọn nghề

Cuối cùng là tạo những điều kiện để học sinh tuyển chọn nghề. Tuyển chọn nghề là xác định xem các đối tượng dự tuyển có sự phù hợp với một nghề cụ thể hay không để có quyết định tuyển hay không tuyển vào học hay làm việc. Tuyển chọn nghề đi từ nghề hoặc nhóm nghề đến con người, xuất phát từ nghề hoặc nhóm nghề để chọn người vào học hay làm việc. Trong khi đó tư vấn nghề lại xuất phát từ con người để đi đến nghề nghiệp.

Tuyển chọn nghề có vai trò quyết định trong công tác hướng nghiệp mà ý nghĩa mà làm sao giúp cho việc ngăn ngừa hay giảm bớt tai nạn lao động, đặc biệt trong giao thông vận tải và giúp con người đến được với nghề mà họ phù hợp, thành công trong nghề, yên tâm và gắn bó với nghề.

Để thực hiện các khâu trên phải cách khoa học và hiệu quả, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi với những khó khăn hiện nay, nhà trường khó nào thực hiện một cách trọn vẹn các yếu tố trên.

Điều mà nhà trường có thể thực hiện tốt nhất trong khả năng là cung cấp tư liệu về đặc điểm nhân cách của từng học sinh khi ra trường (đạo đức, học tập văn hoá, đánh giá học sinh dưới góc độ hướng nghiệp và bàn giao học sinh ra trường…). Đồng thời, nhà trường góp ý cho việc tuyển sinh vào các trường đào tạo nghề và tuyển chọn người lao động vào các lĩnh vực kinh tế xã hội được thuận lợi, chính xác, khoa học.

Điều trọng yếu hướng đến cuối cùng trong công tác hướng nghiệp là phải làm cho mỗi học sinh có được tính chủ động trong lựa chọn nghề, có khả năng tự quyết định được con đường nghề nghiệp tương lai của mình trên cơ sở của việc định hướng nghề nghiệp, tư vấn và tuyển chọn nghề đã được tiến hành. Một cố vấn nghề nghiệp, hay tư vấn chuyên nghiệp, không thể nói cho bạn biết những gì là tốt nhất cho sự nghiệp của bạn.

Nhà trường có thể hướng dẫn cho học sinh trong việc lựa chọn một nghề nghiệp và chỉ có thể tạo điều kiện giúp cho học sinh, nhưng quyết định phải là ở học sinh.

Tác giả: GS.TS Huỳnh Văn Sơn