Một số phương pháp hỗ trợ quản lý cảm xúc hiệu quả

Một số phương pháp hỗ trợ quản lý cảm xúc hiệu quả


Một số phương pháp hỗ trợ quản lý cảm xúc hiệu quả:

1. Chấp nhận tất cả các cảm xúc của mình 

Tại sao có sự mâu thuẫn và dằn xéo cảm xúc? Đó là bởi vì, một số người lựa chọn từ chối, phủ nhận, cảm thấy tội lỗi khi có cảm xúc quá mãnh liệt ấy. Cố gắng đè ép lại một thứ cảm xúc mà chúng ta không chấp nhận được chẳng khác nào việc mạnh mẽ dặm phấn lên những vết mụn sưng viêm, che giấu được một khoảng thời gian nhưng vấn đề vẫn còn đó, và ngày càng nghiêm trọng hơn, cho đến khi vết mụn sưng to đến mức dù có đổ cả hộp phấn lên thì cũng không tài nào che giấu được màu mụn đỏ chói cùng với cơn đau luôn hiện hữu trên da mặt.  

“Đó không phải vấn đề lớn, đừng vì thế mà hoảng sợ”, “Cùng bình tĩnh, tỉnh táo thì mới có thể nghĩ được cách giải quyết tốt nhất”. Tự nói với mình như vậy nhằm mục đích xoa dịu, ổn định tâm trạng cũng như tạo tâm thế thoải mái để dễ dàng chấp nhận sự kiện bất ngờ ấy đã xảy ra với mình. Thoải mái chấp nhận nó, không phải sống luôn với mớ cảm xúc mãnh liệt ấy, mà là cảm nhận chúng một cách đầy đủ nhằm tìm ra cách giải quyết vấn đề theo khuynh hướng nhẹ nhàng êm đẹp hơn, chứ không hấp tấp mà chọn con đường ngắn nhất, cực đoan nhất để phủi bỏ cảm xúc ấy đi.  

Khi tìm được cách giải quyết, điều đó có thể chứng mình rằng bạn có năng lực giải quyết vấn đề hiệu quả và đáng tin cậy. Từ đó cảm xúc mãnh liệt ấy cũng được coi như là phương tiện để bạn hoàn thiện bản thân, coi mọi cảm xúc đến với mình đều có sự hữu ích riêng của chúng, điều này khiến chúng ta dễ hài lòng, dễ chấp nhận và dễ dàng đạt được hạnh phúc hơn. 

2. Biết những cảm xúc đang hiện hữu là gì 

Có thể sẽ mất một khoảng thời gian để xác định được những gì đang thật sự xảy ra với bạn. Xác định mình không gọi tên sai cảm xúc mình đang có là bước đầu tiên. Việc lầm tưởng cảm xúc, không nhận định được một cách đúng đắn những cảm xúc đang có sẽ là bước đầu tiên khiến mọi thứ sau đó đều là sai lầm. Dừng lại để suy nghĩ, xác định cảm xúc của mình là cho bản thân cơ hội để bình tĩnh, tranh thủ một chút thời gian để lý trí lấy lại quyền chủ động. 

Cảm xúc mãnh liệt đột nhiên đến, bạn bắt đầu hoạt động chân tay hết công suất, không kịp điều chỉnh suy nghĩ để nói và hành động đúng, ví dụ như tức giận liền lập tức mắng chửi, la hét, vò đầu bứt tóc, ném đồ, lập tức bốc hỏa và nhanh chóng chuyển đến trạng thái thù hận. Nhanh quá, cũng thiếu suy nghĩ quá. 

Ngắt ngay mạch cảm xúc đang dâng trào bằng cách: 

- Đầu tiên, hỏi về cảm xúc của chính mình lúc ấy: “Tôi đang có cảm xúc gì ngay bây giờ vậy?”, “Đó thật sự là cảm xúc tôi đang có vì xảy ra vấn đề bất ngờ kia phải không?”. Ở giai đoạn này đòi hỏi chúng ta cần hiểu chính mình và cũng cần biết, cảm nhận hiện tại của mình đang đại diện cho loại cảm xúc gì. 

- Tiếp theo, xác nhận lại lý do mà khiến mình có cảm xúc như vậy: “Điều gì khiến tôi có cảm xúc này?”, “Có lời giải thích nào cho những gì tôi đang cảm thấy?”.

- Sau đó, chuyển hướng suy nghĩ, nhận định về vấn đề, hay nói cách khác là xem vấn đề đó dựa trên một góc nhìn khác: “Vấn đề này còn có cách giải thích nào khác hợp lý hơn?”, “Liệu còn hoàn cạnh nào dẫn đến vấn đề như hiện tại?”,… 

- Và rồi, đến lúc suy nghĩ xem mình sẽ làm gì: Việc suy nghĩ khiến cho mình tưởng tượng về việc mình sẽ làm, từ đó nhìn thấy hành động, lời nói đó liệu xảy ra trong hoàn cảnh trước mắt sẽ đem lại hình ảnh gì, ấn tượng gì. “Tôi đang muốn làm gì với cảm xúc này đây?”, “Bằng cách nào có thể thể hiện ra những cảm xúc này của tôi?”, “Với hoàn cảnh hiện tại, khi tôi có lời nói và hành động như vậy, liệu đã phù hợp?”,… 

- Cuối cùng, tìm và tự mình đưa ra một lựa chọn thay thế có tính khả thi hơn cho chính vấn đề mà đang khiến mình mất kiểm soát: “Có cách nào tốt hơn để đối phó với vấn đề đó không?”, “Mình sẽ thử dùng những cách khác để tác động lên chính vấn đề đó, xem rằng liệu sự thay đổi ấy có khiến cho cảm xúc này được an ủi hoặc được chuyển đổi sang một cảm xúc khác dễ chịu hơn không?”

Quá trình ngắt mạch cảm xúc này khó thực hiện vì chỉ mỗi việc tạm thời dừng lại khi sắp bộc phát thôi cũng là một loại áp lực, giống như việc đạp phanh khi xuống dốc vậy. Do đó mà phương pháp này yêu cầu có sự rèn luyện nghiêm túc. Như lúc đầu đã nói, dừng lại một chút chính là bước đầu tiên để mình dành lại quyền kiểm soát cảm xúc đang xáo trộn.  

3. Kiểm soát hơi thở 

Hít thở sâu và đúng cách luôn được nhắc đến kèm theo với những lợi ích bất ngờ như: giảm căng thẳng, giảm mức axit trong cơ thể, giải phóng endorphin - một chất giảm đau tự nhiên, tăng cường hỗ trợ cơ thể đào thải các chất độc,… 

Mục đích của việc kiểm soát hơi thở, độ sâu hơi thở và cách thực hiện hít thở sâu không phải là để làm tiêu tán cảm xúc mãnh liệt, và nó cũng không làm được điều đó.  

Đứng trước sóng gió và biến cố, đứng trước những điều quá mãnh liệt, điều con người cần là giữ vững bản thân và một hơi thở sâu có thể làm được điều đó. Kết hợp với hơi thở đủ sâu, hít lấy không khí một cách từ từ, ta cũng nhẹ nhàng và từ tốn nói với bản thân rằng “Tôi bình tĩnh”, “Tôi đang trở nên bình tĩnh hơn”, “Tôi đang hướng đến sự thoải mái và tôi được thoải mái”,…  

Cảm giác lúc đầu đem lại khi chúng ta có phản ứng cực đoan đó là chúng ta thấy thoải mái vì xả được cảm xúc mãnh liệt kia ra ngoài, song tình huống sau đó, sẽ càng rối ren và mãnh liệt hơn, khó giải quyết và khó kiểm soát hơn. Vì vậy cần vững tâm, không lung lay trước sự dụ dỗ của những hành vi và lời nói cực đoan. 

4. Quan sát và luôn chú ý đến ngoại cảnh 

Khả năng quan sát và phân tích cần được phát huy tối đa khi cảm xúc dâng trào. “Có phù hợp để làm vậy tại một môi trường như thế này không?” 

Lấy một ví dụ, Bạn A vừa nhận được thông báo trúng tuyển ngôi trường mơ ước, bạn rất vui mừng và hạnh phúc đến mức muốn hét lên, cười lớn vì sung sướng. Hoàn cảnh xung quanh hiện tại lại là đám tang của một người hàng xóm. Lúc này đây, cười lớn và tỏ thái độ vui vẻ hạnh phúc sẽ đem lại cho bạn A những cái nhìn và đánh giá thiếu thiện cảm, thậm chí là bị chỉ trích.  

Các tình huống cảm xúc mãnh liệt dâng trào cần được bộc lộ để giảm bớt căng thẳng và tức giận, hoặc thực sự bất công, oan ức, hoặc sự hạnh phúc tột cùng,… lại đòi hỏi chúng ta phải kiềm chế vì ta đang hiện diện tại một môi trường không phù hợp, đối tác không phù hợp để bộc lộ những cảm xúc ấy. Nói cách khác, dù là cảm xúc có mãnh liệt đến bao nhiêu, thì cũng cần đúng lúc, đúng nơi và đúng chỗ, nhằm phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định và kỷ luật.  

Xem xét xem, tác động mà nguồn cảm xúc mãnh liệt ấy đem lại đối với chính mình, đối với các mối quan hệ xung quanh và lợi ích sau này là lợi là hại, từ đó điều chỉnh thay vì áp chế.  

5. Hướng đến sự phù hợp

Dù là phương pháp dân gian truyền miệng hay là những phương pháp được chuyên gia khuyên dùng, thì phù hợp chính là một yêu cầu thiết yếu. Cần cảm thấy, thấy được rằng bản thân phù hợp với phương pháp nào, có thể thực hiện phương pháp nào thích hợp với điều kiện năng lực của mình thì khi đó phương pháp ấy mới có khả năng hỗ trợ bản thân trong hành trình tìm lại quyền kiểm soát cảm xúc.  

Thực chất, con người luôn hướng đến sự hoàn hảo, hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần. Sự hoàn hảo này không phải là tốt nhất, có lợi nhất, mà là gần với trạng thái cân bằng và không cách quá xa sự kiểm soát tốt bản thân và thích hợp với chính mình nhất. Nếu mất đi sự cân bằng này, con người sẽ rơi vào hai trạng thái; một là hoàn toàn mất đi sự kiểm soát cảm xúc, trở nên lố bịch và luôn là hình ảnh làm quá trước cái nhìn của người khác; một trạng thái khác đó chính là không có bất cứ cảm xúc nào đối với mọi thứ xung quanh, có thể xem là người này quá giỏi kìm chế, đè ép việc bộc lộ cảm xúc ra ngoài, cũng có thể xem là trơ lì cảm xúc.  

Quá ức chế cảm xúc mãnh liệt dần sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, ngược lại, mặc sức đối phó với cảm xúc mãnh liệt bằng các phản ứng xấu thì cuối cùng lại chỉ càng thổi phồng vấn đề lên.  

Cảm xúc cần được quản lý và sử dụng một cách thông minh để đem lại nhiều nguồn lực tốt đẹp cho cuộc sống. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm thấy phương pháp hỗ trợ tốt nhất cho chính mình.

Tham khảo

  • Tác hại của việc không làm chủ được cảm xúc bản thân - Butbi.hocmai.vn. (2018).  Retrieved 4 March 2023, from https://butbi.hocmai.vn/tac-hai-cua-viec-khong-lam chu-duoc-cam-xuc-ban.html 
  • How to Control Your Emotions: 11 Strategies to Try. (2023). Retrieved 4 March  2023, from https://www.healthline.com/health/how-to-control-your emotions#consider-the-impact 
  • Miller, D. (2021). 10 Strategies For Managing Emotions - Langley Group. Retrieved  4 March 2023, from https://langleygroup.com.au/10-strategies-for-managing emotions/ 
  • 10 lợi ích của việc hít thở sâu. (2014). Retrieved 4 March 2023, from  https://vov.vn/suc-khoe/10-loi-ich-cua-viec-hit-tho-sau-311454.vov