Những sự thật oái oăm về cảm xúc

Những sự thật oái oăm về cảm xúc


Thỉnh thoảng, cảm xúc buồn bã, tức giận, đau khổ, thất vọng thậm chí là kinh tởm lại đến “làm phiền” bạn

...bạn bối rối, bạn cảm thấy phiền nhiễu, bạn không biết phải làm thế nào. Thế là bạn cố gắng trốn tránh, cố gắng xua đuổi, lơ đi, ngủ để chạy trốn, vùi mình vào học hành, công việc, tìm đến đám bạn thân để cười đùa, để quên đi, thậm chí không dám để bản thân mình rảnh rỗi, thư giãn vì lo sợ phải đối diện sự khó chịu đang tồn tại. 

Qua một thời gian, bạn tưởng chừng như cảm xúc khó chịu không hề tồn tại nữa

...và nếu để ý, chỉ thấy rằng càng ngày, sau nhiều lần lãng quên cảm xúc dần dần, chúng ta lại hướng vào làm những việc bản thân không bao giờ muốn làm: trở nên dễ bạo lực với những thứ xung quanh như đồ dùng, thú cưng; dễ dàng cáu gắt, la mắng người khác; đôi khi dễ xúc động hoặc khóc lóc một cách khó kiểm soát. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang mắc kẹt trong những cảm xúc chính mình cố gắng đè nén. 

Việc đè nén cảm xúc thường xuyên khiến chính bản thân chúng ta dần dần mất kết nối với cảm xúc của chính mình

...và cũng vì vậy, không nhận thức được những gì cảm xúc đang mách bảo, mất đi khả năng truyền động lực của cảm xúc. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến cảm xúc, hành động của chính bản thân mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ với những người xung quanh khi chúng ta mất đi khả năng cảm nhận, trao đổi và tương tác về mặt cảm xúc.

Lãng tránh đi một cảm xúc khó chịu, có thể khiến chúng ta dễ chịu trong tức thời

...nhưng hãy luôn nhớ rằng, cảm xúc không mất đi, nó chỉ dồn vào một góc nào đó trong tâm hồn mà chúng ta không nhận biết được. Cảm xúc vẫn luôn ở đó cho đến khi chúng ta lắng nghe, thấu hiểu và vỗ về. Hãy luôn kết nối với bản thân, lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của chính mình. Đó là việc làm đầu tiên của một người có khả năng chăm sóc cảm xúc của bản thân, cũng là một hành động của một người quan tâm đến đời sống tinh thần của mình. 

Theo: Psygital