Làm thế nào để sống thật hạnh phúc?

Làm thế nào để sống thật hạnh phúc?


“Hạnh phúc được tạo nên từ những điều nhỏ bé: sống thật với con người bạn, với suy nghĩ của bạn” - Marcus Aurelius

Quả thật, nói “không” thường là giải pháp an toàn cho mọi thứ. Bằng cách nói “không”, bạn có thể được ở nguyên trong vùng an toàn của mình. Bạn sẽ không phải đối mặt với nỗi sợ thất bại hay bị từ chối. Từ đó, những viễn cảnh khó lường đáng sợ và đầy khó khăn sẽ không xảy ra. Thế nhưng, thay đổi câu trả lời của bạn từ “không” thành “có” sẽ giúp cho cuộc sống của bạn được mở rộng hơn, trở nên sâu sắc hơn, từ đó sẽ có thể đón nhận nhiều niềm hạnh phúc hơn. 

Sau đây là những chia sẻ của tôi về 10 điều mà ai cũng nên chấp nhận nói “có” để có thể trở nên hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình. Hãy chọn ra một điều mà bạn cảm thấy gần gũi và có lý nhất với bản thân để tập trung biến đó trở thành một phần cuộc sống của mình.

1. Hãy chấp nhận những khiếm khuyết của mình

Hoàn hảo là một trạng thái bất khả thi đối với bất cứ ai. Cố gắng để trở nên hoàn hảo cũng đồng nghĩa với tự đặt ra cho mình một mục tiêu không thể nào với tới, để rồi từ đó bạn sẽ ngày một tổn thương bởi lòng tự tôn của chính mình, không bao giờ cảm thấy hài lòng hay vui vẻ với chính những gì mình đang làm, với những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bản thân, ngay cả khi mọi thứ thực ra đang rất suôn sẻ.

Lối sống cầu toàn sẽ dần ăn mòn bạn từ bên trong và triệt tiêu đi những niềm hạnh phúc của bạn. Chấp nhận, nói “có” trước những khiếm khuyết của bản thân và những thứ xung quanh sẽ có thể thay đổi được điều này. Vậy phải làm thế nào?

Sớm nhận ra cái giá phải trả của lối sống cầu toàn

Xem quá nhiều phim, nghe quá nhiều nhạc và rồi đắm chìm vào những ảo mộng được tạo ra bởi thế giới trong đó sẽ kéo bạn vào những ảo tưởng về sự hoàn hảo - những viễn cảnh đầy hấp dẫn, đầy cuốn hút khiến cho bạn không thể nào từ chối được. Bạn mong muốn điều đó.

Song, chúng lại va chạm, xô lệch với những gì đang diễn ra ở thực tế, và sẽ có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực hay thậm chí hủy hoại các mối quan hệ, công việc hay các mục tiêu còn dang dở. Tất cả chỉ vì bạn đã quá tham vọng, quá cầu toàn, đặt cho mình những mục tiêu quá xa khỏi tầm với. Do đó, hãy luôn nhắc nhở bản thân đối diện phải đối diện với thực tế, với sự thật.

Thỏa mãn với những gì mình làm được

Thái độ cầu toàn thường sẽ đi cùng với sự chậm trễ trong tiến độ công việc, hay bất kì thứ gì khác và bạn thậm chí có thể chẳng thể cán đích kịp thời. Do đó, hãy biết thỏa mãn với thành quả của mình, biết thế nào là đủ.

Nhưng cũng đừng vì thế mà tự tạo cho mình lý do để biếng nhác, chây ì. Đơn giản, hãy biết tự đánh giá khi nào là đủ tốt, liệu bản thân đã đạt được điều đó chưa, nếu rồi, thì hãy tạo điểm dừng và bắt tay vào làm những việc khác.

2. Hãy là chính mình

Cảm giác không thể được tự do là chính mình, luôn luôn chạy theo và thay đổi bản thân vì người khác hay phải che đậy đi những gì là của mình, quả thực không hề vui vẻ thoải mái chút nào. Nó khiến cho cuộc sống trở nên thật nhỏ bé và tù túng. Vậy làm thế nào để có thể được là chính mình? Yếu tố môi trường nắm một vai trò rất quan trọng trong việc này:

Làm bạn với những người có thái độ tích cực và luôn ủng hộ mình

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người luôn ủng hộ ước mơ của bạn, những giá trị của bản thân bạn hay cả con người của bạn, hay ít nhất là những người giữ thái độ trung lập. Ngược lại, tránh ở bên cạnh những người không chia sẻ cùng quan điểm, lập trường với bạn, những người luôn phê bình, chỉ trích bạn.

Tìm cho mình những nguồn cảm hứng tích cực để thay đổi cuộc sống

Đừng chỉ thay đổi môi trường sống gần mình, hãy mở rộng tầm mắt xa hơn để tìm kiếm những nguồn thông tin có thể giúp ích cho giấc mơ của bạn, đồng thời có thể làm cho cuộc sống của bạn trở nên hạnh phúc và thú vị hơn. Những người có thể giúp đỡ và ủng hộ bạn đạt được mục tiêu của mình không nhất thiết phải là những người xung quanh, họ có thể là người bạn chưa từng gặp qua những trang sách, những bộ phim, blogs, diễn đàn hay những bài hát. Và một lần nữa, đừng dành thời gian cho những thứ có thể tác động tiêu cực và giới hạn khả năng của bản thân.

3. Thử trải nghiệm những điều mới lạ

Dành thời gian thử những điều mới lạ thú vị để trải nghiệm sẽ khiến cho bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng sống. Hãy bắt đầu bằng những điều sau đây:

Trở nên sáng tạo với những lựa chọn của mình

Mỗi tuần, hãy tự đặt cho mình những mục tiêu nhỏ nhưng mới lạ để thử trải nghiệm, ví dụ như: "Nếu bạn là người thích ăn thịt, hãy thử ăn một bữa chay", "Thử nghe một bài hát thuộc dòng nhạc trái gu của bạn", "Nếu bạn thường nhốt mình ở nhà vào buổi tối, hãy thử rủ bạn bè đi xem phim, uống cà phê",...

Hãy cứ thỏa sức sáng tạo với những trải nghiệm mới của mình và từng bước mở rộng vùng an toàn của mình để tạo ra cuộc sống muôn màu đầy thú vị.

Thử bắt đầu làm lại những thứ bạn yêu thích đã bị bỏ dở trước kia

Nếu như trước kia bạn thường đi câu cá, vẽ tranh hay chơi đàn và điều này khiến cho bạn thấy hạnh phúc thì hãy thử bắt đầu lại thói quen đó xem sao. Hãy bỏ ra một giờ cho những điều bạn từng yêu thích làm chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều cảm giác thú vị và mới lạ.

4. Sống lạc quan hơn

Lối sống bi quan sẽ khiến cho cuộc sống của bạn bị giới hạn, gò bó và khiến bạn bị giậm chân tại chỗ. Những người bi quan thường không có động lực cố gắng bởi họ thường nghĩ rằng những thứ mình làm là tốn công vô ích và sẽ kết thúc trong thất bại. Sự bi quan sẽ tạo ra những rào chắn vô hình cản trở sự tiến bộ và phát triển của bất kì ai. 

Nhìn ra điều này và thay đổi bằng cách nói “có” với lối sống lạc quan sẽ khơi mở ra nhiều lối đi trong cuộc sống của bạn. Vậy làm thế nào để có được sự lạc quan?

Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi mang tính tích cực

Khi thấy mình đang kẹt trong tình cảnh khó khăn, hãy tự tạo cho mình lối thoát bằng cách đặt ra những câu hỏi thúc đẩy sự lạc quan cho bản thân như: "Trong cái rủi này liệu sẽ có cái may gì?", "Trong tình thế này liệu mình sẽ học được điều gì, hay sẽ có cơ hội làm gì?"

Khởi đầu ngày mới với những nguồn năng lượng tích cực

Cũng giống như những gì đề cập tới ở mục 2, lựa chọn những nguồn tác động xung quanh sẽ có thể tạo ra những khác biệt lớn cho cuộc sống của bạn.

Thế nên, hãy dùng bữa sáng với những nguồn năng lượng lạc quan, tích cực như một cuốn sách hay, một blog hay đơn giản là mẹ của bạn. Hay cũng có thể tìm đến những người luôn ủng hộ, động viên và khuyến khích bạn tại những nơi bạn thường xuyên đến như trường học hay nơi làm việc.

5. Dập tắt những suy nghĩ tiêu cực

Để có cuộc sống hạnh phúc, điều quan trọng cần làm đó chính là giữ được cho mình động lực và niềm tin vào bản thân. Tuy nhiên, nhiều người thường bị chính tiếng nói nội tâm của mình cản đường. Chỉ cần bạn phạm phải một sai lầm hay thất bại, hay trở nên mệt mỏi vì những lời đàm tiếu của những người xung quanh, giọng nói nội tâm ấy sẽ ngày càng trở nên lấn át hơn và dần nhấn chìm bạn.

Giọng nói ấy sẽ luôn chì chiết bạn với những lời lẽ tiêu cực nhất, rằng bạn đã lười biếng và ngu ngốc như thế nào, rằng bạn sẽ không bao giờ có được thành công, rằng bạn thua kém và thảm hại so với nhiều người khác.

Thế nên, ngay bây giờ, điều cần làm đó chính là dập tắt đi những tiếng nói đó càng sớm càng tốt, và đây chính là cách để làm điều đó:

Tạo ra một từ hoặc một câu nói để đáp trả lại

Hãy nghĩ ra một từ, một câu hay một mệnh lệnh thức trong đầu mình mỗi khi những giọng nói phê phán kia cất lên và mang theo những lời lẽ hiểm độc. Hãy đáp trả lại và nói rằng: “Ngậm miệng lại”.

Tự thuyết phục bản thân rằng mọi chuyện sẽ tệ hại thế nào nếu mọi thứ tiếp diễn

Cũng giống như những gì đã nói ở mục 1, tự nhắc nhở bản thân về cái giá phải trả khi chìm đắm vào những mơ mộng của cuộc sống hoàn hảo là một cách hiệu quả để thay đổi thói quen suy nghĩ đó. Tương tự như vậy, điều này cũng có thể được áp dụng để tránh cho chúng ta đi vào lối mòn với những giọng nói, suy nghĩ tiêu cực kia.

Hãy luôn tự nhắc mình về những điều tệ hại mà chúng đã gây ra cho bản thân trong suốt những năm qua trong cuộc đời, và những gì có thể xảy ra nếu như không có gì thay đổi.

6. Học cách chấp nhận hy sinh để đạt được thành quả lớn lao

Để có thể nói “có” với thứ này cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận nói “không” với thứ khác. Do đó, chấp nhận hy sinh để dành thời gian và năng lượng cho những mục tiêu quan trọng là điều không thể tránh khỏi. Song làm cách nào để biết đâu là thứ cần ưu tiên?

Hãy tự hỏi bản thân: Mình muốn tập trung thời gian và năng lượng làm gì nhất?

Khi nhận được một lời mời hay một cơ hội nào đó, hãy tự đặt câu hỏi này. Khi nhìn vào lịch trình công việc của mình, cũng hãy tự đặt câu hỏi này. Bằng cách này, bạn sẽ luôn có thể tập trung vào những ưu tiên hàng đầu của mình và nghĩ đến những mong muốn lớn nhất của bản thân trước khi quyết định làm gì.

Dứt khoát từ chối và nêu rõ lý do của mình

Hầu hết mọi người sẽ chấp nhận một lời từ chối dứt khoát đi kèm với lý do chính đáng. Ví dụ, bạn có thể từ chối ai đó bằng cách cảm ơn họ trước tiên vì lời mời hay vì đề nghị của họ, rồi sau đó đưa ra một lý do chính đáng của bản thân, có thể là vì không có thời gian hay bản thân mình không thấy hứng thú với lời mời đó. 

7. Học cách tha thứ

Biết cách buông bỏ quá khứ và chấp nhận những gì đã diễn ra để có thể nhìn về phía trước và hướng tới tương lai là cực kì quan trọng để tìm được hạnh phúc cho cuộc sống riêng mình.

Quả thực, tha thứ không phải là điều dễ dàng và đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian. Song cũng có nhiều cách để có thể làm được điều này dễ dàng hơn như sau:

Tự nhắc bản thân rằng: tha thứ là để tốt cho chính mình

Chừng nào bạn còn chưa tha thứ cho ai đó, thì tức là bản thân vẫn đang bị ràng buộc với họ. Bạn sẽ luôn luôn suy nghĩ và trăn trở về những gì họ đã gây ra cho bạn. Những suy nghĩ này cũng như một khối u vậy, chúng sẽ càng ngày càng lớn dần để gây ra đau đớn và tổn thương cho chính bạn và những người xung quanh. Vì thế, biết tha thứ cũng có nghĩa là biết buông bỏ tất cả những dằn vặt và suy nghĩ đó ở lại phía sau để tự giải phóng bản thân.

Cũng đừng quá hà khắc với bản thân

Nếu đã biết cách tha thứ cho người khác, cũng nên biết cách tha thứ cho bản thân mình về những điều trong quá khứ 5 hay 10 năm trước. Ngừng việc tự trách móc và dằn vặt bản thân để tạo thói quen tha thứ cho chính mình cũng giúp việc tha thứ cho người khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. 

8. Học cách khiến người khác hạnh phúc

Làm cho người khác vui có rất nhiều lợi ích đi kèm. Niềm hân hoan và hạnh phúc của người nhận cũng sẽ lan tỏa tới chính người cho khi bạn nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của họ. Và đó là lúc bạn biết rằng, bản thân mình đã làm được một điều tuyệt vời.

Không chỉ thế, khi bạn giúp đỡ ai đó, chính họ cũng sẽ giúp đỡ lại bạn trong tương lai. Điều này sẽ diễn ra như một vòng lặp có khả năng lan tỏa sự tích cực và hạnh phúc tới tất cả mọi người trong xã hội. Vậy phải làm gì để thực hiện được điều này?

Bắt đầu bằng những điều thiết thực

Đừng ngần ngại chủ động giúp đỡ những người xung quanh khi họ cần. Nếu thấy ai đó cần giúp đỡ với đồ đạc lỉnh kỉnh, hãy giúp họ một tay, hoặc thậm chí cho họ quá giang về nhà. Nếu ai đó hỏi thông tin hoặc cần sự trợ giúp, hãy cố gắng đưa ra câu trả lời hữu ích bằng hiểu biết của mình, hay nhờ những người có thông tin đó hoặc đơn giản hơn là tra cứu trên Google.

Biết lắng nghe

Đôi khi, bạn bè hoặc người thân của bạn cần một người để tâm sự hay một ai đó lắng nghe để cùng tìm cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Thoạt nhìn qua, điều này có vẻ không quá gì to tát, thế nhưng đối với những ai đang trong tình thế bế tắc, bạn có thể thực sự trở thành một cứu cánh của họ.

Thế nên, hãy ở đó lắng nghe, lắng nghe một cách toàn tâm toàn ý và đừng hướng suy nghĩ của mình tới những thứ khác.

9. Cởi mở đón nhận những thay đổi để phát triển bản thân

Cởi mở đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống để tự phát triển bản thân đóng một vai trò cốt lõi để tạo nên hạnh phúc. Sau đây là hai mẹo nhỏ để giúp bạn có thể thực hiện được điều này dễ dàng hơn:

Thay đổi từng chút một

Có thể thay đổi được nhiều thứ trong cuộc sống đương nhiên là một mục tiêu nên hướng tới. Thế nhưng trí lực và ý chí của mỗi người đều có giới hạn, và cuộc sống thì lại không ngừng đổi mới. Do đó, hãy thay đổi từng thứ một, từng lĩnh vực một trong đời sống của bạn với phương châm “chậm mà chắc” để có thể đảm bảo tỉ lệ thành công cao nhất.

Bắt đầu với những thứ đơn giản

Hãy khởi động bằng cách từ chối một việc bạn không muốn làm trong tuần này, hay thử bắt đầu tha thứ cho một người vì một việc họ đã làm, hay hãy thử làm cho một người nào đó vui ngay bây giờ. Hã bước từng bước một, chậm rãi và chắc chắn ra khỏi vùng an toàn của mình.

10. Biết cách sống hết mình bất chấp khó khăn

Đôi khi trong cuộc sống, bạn sẽ gặp phải một chướng ngại hay một thử thách khó lòng vượt qua, hay thậm chí có thể đánh gục bạn tại chỗ. Điều này sẽ khiến nhiều người cảm thấy nản chí, từ bỏ và đầu hàng.

Thế nhưng trên thực tế, bạn vẫn có thể trở nên hạnh phúc trong những tình huống như thế bằng cách thử sống hết mình, cố gắng hết mình để vượt qua khó khăn, hãy bắt đầu với những việc làm sau:

Cố gắng tiếp tục, đừng từ bỏ dễ dàng

Khi bạn phạm phải sai lầm hay thất bại, đừng vội bỏ cuộc. Hãy kết nối bản thân với những suy nghĩ tích cực và lạc quan như những gì đã đề cập tới ở trên. Tìm kiếm những nguồn cảm hứng từ những người xung quanh, từ những cuốn sách để có thể vực dậy cảm hứng của chính bạn.

Và tuyệt đối đừng tự dằn vặt hay trách móc bản thân. Thay vào đó, hãy tự tìm cách hoàn thiện mình và hồi sức để sẵn sàng bước tiếp.

Luôn nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để thay đổi

Bản thân tôi đã không cải thiện bản thân quá nhiều cho tới năm 25 tuổi. Và với nhiều người trên thế giới, sự thay đổi thực sự còn đến với họ muộn màng hơn nữa. Thế nhưng, họ vẫn tạo được những chuyển biến tích cực trong cuộc sống của mình.

Vì thế, nếu bạn muộn tạo ra sự thay đổi, hãy bắt tay vào làm ngay hôm nay, thực hiện chúng với những gì mình có trong tay, tại nơi mình đang sống.

Hãy bắt đầu với những điều nhỏ bé để bước những bước đầu tiên hướng tới những điều mới lạ.

Tác giả: Henrik Edberg - How to Live a Happy Life: 10 Things to Say Yes to Starting Today