Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, hội chứng FOMO ngày càng trở nên phổ biến. Vậy FOMO là gì? FOMO đang ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta?
Biểu hiện của FOMO là gì?
Cảm giác lo lắng bất an, lo sợ, khó chịu thậm chí đố kỵ
Khi bản thân không được biết hoặc tiếp xúc với một sự kiện, trải nghiệm, tương tác xã hội nào đó, nhu cầu được an toàn của cá nhân bị tác động. Họ cảm thấy bản thân mình đã bỏ lỡ đi một sự kiện, mất đi một trải nghiệm tốt đẹp. Họ cảm giác như là chính việc bỏ lỡ này đã làm ảnh hưởng đến công việc học tập, việc làm, lợi ích của họ. Nhưng mà trên thực tế những điều bị bỏ lỡ có thể không thực sự quan trọng đối với họ.
Suy đoán, suy diễn hành vi của người khác theo hướng tiêu cực
Khi họ phát hiện mình bỏ lỡ một cuộc hội họp, đi chơi của bạn bè. Ngoài việc lo lắng, bất an về bản thân, họ còn có những suy đoán những hành động nhỏ nhặt của người khác theo chiểu hướng tiêu cực.
Liên tục check fb, email,… cập nhập thông tin trên các trang mạng xã hội
Theo báo cáo về FOMO của JWT Intelligence (2011) và việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã chỉ ra rằng những người có hội chứng FOMO có xu hướng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, e-mail thường xuyên hơn. Họ cảm thấy bồn chồn nếu họ phải tránh xa các phương tiện truyền thông trong một khoảng thời gian.
Sẵn sàng làm những việc liều lĩnh và nguy hiểm để không cảm thấy bị bỏ lỡ
Trong một số trường hợp, người ta thậm chí còn sợ bỏ lỡ những thứ không lành mạnh. Ví dụ như liên tục kiểm tra tin nhắn khi lái xe hoặc sẵn lòng tham gia những bữa tiệc với những người không quen biết.
Luôn ôm đồm nhiều việc
Do chính sự lo sợ bị bỏ lỡ mà họ luôn ôm đồm nhiều việc cùng lúc nhưng thực chất không làm trọn vẹn được việc nào. Chính nhu cầu an toàn của bản thân đã thúc đẩy họ khó có thể từ chối việc gì, bởi họ sợ khi từ chối như đi dự một sự kiện, một cuộc gặp mặt họ sẽ bị mất đi một quyền lợi mà đáng lẽ ra họ sẽ nhận được
FOMO liệu có hoàn toàn gây hại?
Người rơi vào hội chứng FOMO có mối bận tâm với mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nhiều hơn người bình thường, dần dần điều này sẽ làm họ không có sự giao tiếp với những người khác, không có sự kết nối thật sự với những ngừoi xung quanh.
Vì cá nhân luôn cảm thấy lo lắng, muốn biết người khác đang làm gì, muốn kiểm tra rằng mình có đang bỏ lỡ điều gì đó hay không, thời lượng sử dụng mạng xã hội của họ sẽ ngày một tăng như một dạng “thuốc an thần” ngày càng tăng liều. Việc sử dụng điện thoại thường xuyên và không khoa học là điều không nên, vì ánh sáng xanh phát ra khiến não bộ trở nên “tỉnh hơn”, dẫn đến việc khó ngủ, ngủ trễ,…
Thời gian sử dụng mạng xã hội, phương tiện truyền thông càng cao, quỹ thời gian dành cho những hoạt động khác càng giảm. Bên cạnh đó, khi “cơn FOMO” chưa có dấu hiệu thuyên giảm, cá nhân sẽ có xu hướng trì hoãn những công việc khác, cho đến khi sự lo lắng được trấn an phần nào.
Nhưng với mức độ FOMO ít, vừa phải, cá nhân có thể dùng đó làm động lực để nắm bắt những cơ hội cho bản thân: tìm hiểu kiến thức mới, chia sẻ về một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng, nâng cao chuyên môn, tạo mối quan hệ, có trải nghiệm mới mẻ, thay đổi lối sống…
Vậy khi mắc FOMO thì cần làm gì?
Xác định điều bạn thực sự mong muốn
Một trong những điều thú vị về hội chứng FOMO là nó giúp bạn nhận ra việc bạn lo lắng bị bỏ lỡ kia có xuất phát từ mong muốn của bản thân hay chỉ là cảm giác FOMO.
Đã đến lúc bản thân mình cần phải thay đổi
FOMO không có nghĩa là bạn muốn làm chính xác những điều mà người khác làm. Điều quan trọng là bạn phải biết cách phân biệt đâu là cảm giác FOMO và đâu là cảm giác bạn muốn thay đổi bản thân. Thay vì ngồi đó và lo lắng, bạn hãy dành thời gian để lựa chọn. Theo thời gian, bạn sẽ miễn dịch với FOMO.
Sử dụng công nghệ khôn ngoan
Một nghiên cứu xã hội đã cho thấy, việc sử dụng Facebook hay mạng xã hội nói chung có thể làm giảm cảm giác hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống. Tuy nhiên, thay vì đổ lỗi cho mạng xã hội, bạn cần nhìn nhận rằng Facebook hay những thứ khác đều chỉ là công cụ, còn việc chúng có làm bạn hạnh phúc hay buồn rầu hơn đều phụ thuộc vào cách bạn sử dụng chúng như thế nào.
Hướng vào bên trong
FOMO xảy ra là do chúng ta đang hướng ra bên ngoài quá nhiều thay vì hướng vào bên trong, chúng ta đi tìm sự vui vẻ, thỏa mãn, hạnh phúc ở bên ngoài cũng như bạn đang không cảm thấy hài lòng với hiện tại. Dành thời gian để thiền định, tản bộ, hay đọc sách là những cách rất hay để các bạn có thể quan sát suy nghĩ, nhận ra bản thân mình thực sự cần gì.
Chấp nhận những gì chúng ta đã đánh đổi
Suy cho cùng chúng ta chỉ là con người, chúng ta chỉ có thể ở một nơi, một chỗ vào một lúc nào đó và làm những công việc trong khoảng giới hạn đó. Chúng ta không thể có tất cả, một điều được thực hiện đồng nghĩa với một điều phải hy sinh, một thứ mất đi. Khi muốn làm một việc gì đó, hãy xem chi phí cơ hội của nó là gì, bạn đã sẵn sàng hi sinh và đáp ứng chi phí đó chưa?
FOMO tuy vẫn chưa thực sự gây hại nhiều nhưng những tác động của hội chứng này đến chúng ta là điều không thể phủ nhận. Muốn hạnh phúc thì dễ nhưng muốn hạnh phúc hơn người khác thì hầu như không thể, vì ai cũng nghĩ "người khác đang hạnh phúc hơn mình. Vì vậy, thay vì sợ "bỏ lỡ", hãy dành thời gian và nỗ lực để làm cho những điều mình chọn trở nên xứng đáng.
Tác giả: PSYGITAL