Vì sao chúng mình cần có lòng trắc ẩn với bản thân (Phần 2)

Vì sao chúng mình cần có lòng trắc ẩn với bản thân (Phần 2)


Những hiểu lầm thường gặp về lòng trắc ẩn với bản thân và cách rèn luyện lòng trắc ẩn với bản thân.

Những hiểu lầm thường gặp về lòng trắc ẩn với bản thân:

1. Tự trắc ẩn là tự thương hại, là ích kỷ

Thực tế: Tự thương hại là đắm mình trong những vấn đề riêng của mình và quên rằng những người khác cũng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi ta tự trắc ẩn, ta nhìn mọi thứ là chính nó – không hơn không kém. Ta chấp nhận việc ta đang đau khổ, trong khi công nhận rằng những người khác cũng có vấn đề tương tự hoặc có thể đang gặp nhiều khó khăn hơn.

2. Tự trắc ẩn là cho phép buông thả bản thân

Cảm thông với chính mình không có nghĩa là bạn chỉ tìm kiếm niềm vui. Nó không phải việc trốn tránh trách nhiệm hoặc sự biếng nhác. Thay vào đó, tự trắc ẩn tập trung vào việc làm giảm đau khổ, cân nhắc, và tìm cách để có lợi cho bạn trong thời gian dài.

3. Tự chỉ trích bản thân là động lực tốt hơn

Thực ra việc tự chỉ trích chính mình, tự hà khắc bản thân chẳng có lợi gì cả, bởi vì nó làm cho bạn sợ thất bại và mất niềm tin vào khả năng của bản thân. Thậm chí nếu bạn đạt được thành tích, bạn vẫn sẽ cảm thấy không đủ, không vui.


3 cách rèn luyện lòng trắc ẩn với bản thân

1. Quan sát ngôn ngữ, cách đối xử với người khác của bạn

Bạn có thể quá quen với việc tự chỉ trích bản thân mà bạn thậm chí không nhận ra rằng bạn đang làm vậy. Vì thế, hãy để ý đến những suy nghĩ mà bạn có, những lời tự thoại trong đầu. Bạn có đang có suy nghĩ quá hà khắc, gay gắt với mình? Nếu bạn không nói, không hành xử như vậy với người khác, tại sao phải suy nghĩ, hành xử như vậy về bản thân?

2. An ủi bản thân với những kỹ thuật "sơ cứu" cảm xúc cấp tốc

Mỗi khi cảm thấy quá căng thẳng vì những luồng suy nghĩ tiêu cực, hãy thử những kỹ thuật đơn giản sau đây để làm dịu cảm xúc trong bạn.

Kỹ thuật ôm kiểu bướm (Butterfly Hug): Một kỹ thuật thư giãn có thể sử dụng mọi nơi mọi lúc. Ban đầu nó được tạo ra để sử dụng trong Liệu pháp EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing – một liệu pháp sử dụng khả năng tự nhiên của bộ não để tự chữa lành hoặc giảm các chấn thương, tổn thương tâm lý). Mục đích của kỹ thuật ôm kiểu bướm là cân bằng các tế bào của hai bên bán cầu não, giúp làm giảm các cảm xúc mãnh liệt.

Kỹ thuật thở ô vuông (Square/Box Technique): giúp hít thở chậm và sâu với vòng lặp 4 động tác hít vào – nín thở – thở ra – nín thở. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì mỗi động tác đó sẽ diễn ra trong 4 giây. Kỹ thuật này không chỉ giúp tăng sự tập trung mà còn giảm căng thẳng, thư giãn đầu óc. 

3. Thay thế những từ ngữ tiêu cực

Bất cứ khi nào bạn thấy mình nói rằng: “Mình có vấn đề”, “Mình không đủ tốt”, “Mình quá kém”, có thể thử thay thế nó bằng những cụm từ sau:"Mình đang gặp căng thẳng", "Căng thẳng là một phần của cuộc sống", "Mình có thể làm gì để thấy tốt hơn trong thời điểm này?",...

Thật tốt khi bạn luôn nỗ lực hết mình trong hành trình học tập và phát triển bản thân. Nhưng suy cho cùng, tụi mình cũng chỉ là một người bình thường, đôi lần thất bại là không thể tránh khỏi trong hành trình ấy. Lần tới, nếu lỡ có một bài kiểm tra không như ý, lỡ vấp váp, "quên bài" trên bục thuyết trình, lỡ cư xử hơi "ngốc nghếch" trước mặt "crush",... thì cùng đừng để những cảm xúc tiêu cực "xấu xí" đó theo bạn quá lâu nhé! 

Nguồn: Tổng hợp