Vì sao chúng mình cần có lòng trắc ẩn với bản thân? (Phần 1)

Vì sao chúng mình cần có lòng trắc ẩn với bản thân? (Phần 1)



Chúng ta được dạy để trở thành một người có lòng nhân ái, biết đồng cảm và sẻ chia với mọi người. Thế nhưng, đôi khi, thật khó để ta đành lòng trắc ẩn đó cho chính mình. Tại sao ta dễ dàng nói những lời chỉ trích tồi tệ nhất với chính mình, sẵn sàng tự làm đau hay hủy hoại bản thân? Đó, rất có thể là biểu hiện của việc thiếu đi lòng trắc ẩn với bản thân (Self-Compassion), cùng Psygital tìm hiểu nhé!

Lòng trắc ẩn với bản thân là gì?

Lòng trắc ẩn với bản thân hay Lòng tự trắc ẩn là sự thấu hiểu và đối xử tốt với bản thân kể cả khi bạn phải đương đầu với những trải nghiệm khó khăn, sự thất bại hay cảm xúc tiêu cực. Lòng tự trắc ẩn không đồng nghĩa với tự nuông chiều chính mình hay yếu đuối, buông xuôi. Ngược lại, tự trắc ẩn là việc chấp nhận và bao dung với chính mình để có thể trở thành một phiên bản tốt hơn.

Các yếu tố hình thành nên lòng trắc ẩn với bản thân 

Có 3 yếu tố cấu thành nên lòng trắc ẩn với bản thân:

Sự tử tế với chính mình (self-kindness): Không chối bỏ những đau khổ, thất bại của bản thân, nhưng cũng không dung túng. Chăm sóc bản thân thật tốt về cả thể chất, tinh thần.

Kết nối với cộng đồng: Hiểu rằng ai cũng có những khó khăn riêng và không phải chỉ riêng mình đang phải đối diện với đau khổ, thất bại. Những gì bạn đã và đang trải qua, cũng là trải nghiệm của rất nhiều người khác.

Nhận diện, quan sát không phán xét: Nhận diện cảm xúc và tình huống đúng như bản chất của nó, không đè nén, trốn tránh hay chỉ trích. Hãy là người “quan sát”.

Lợi ích của lòng tự trắc ẩn

1. Giảm căng thẳng, giảm nguy cơ các rối nhiễu tâm lý

Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng tích cực của lòng tự trắc ẩn tới sức khỏe tâm lý của con người. Một nghiên cứu với sự tham gia của 46 nữ quản lý tại Brazil chứng minh rằng, lòng tự trắc ẩn đã giúp những người tham gia ít bị căng thẳng và trầm cảm hơn, cũng như đồng cảm hơn với người khác.

2. Gia tăng sự tự tin

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện tại Úc với sự tham gia của 2448 trẻ vị thành niên, lòng tự trắc ẩn cũng cho thấy khả năng giảm thiểu những tác hại của việc thiếu tự tin. Những trẻ có sự tự tin thấp cũng ít bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý hơn nhiều nếu có lòng tự trắc ẩn cao.

Trong thời đại công nghệ thông tin với mạng xã hội phổ biến khắp mọi nơi, khi những hành động, suy nghĩ của một người dễ dàng bị săm soi, mổ xẻ dưới lăng kính hiển vi thì chúng ta càng dễ mất niềm tin vào bản thân mình. Do đó, lòng tự trắc ẩn (self-compassion) càng trở nên quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. 

(Còn nữa)

Nguồn: Psygital