Nguyên tắc cho một tình bạn bền chặt

Nguyên tắc cho một tình bạn bền chặt

 

Tình bạn là một mối quan hệ quý giá mà mỗi người chúng ta đều mong muốn có trong đời. Người bạn tốt cho bạn không gian khi bạn cần, cùng bạn đi qua khó khăn, bên bạn cả khi thành công lẫn lúc khốn khó. 


Khi chúng ta lớn lên, cuộc sống của những người trưởng thành, bằng cách này hay cách khác, thường tạo ra nhiều khoảng cách cho các mối quan hệ bạn bè. Thế nhưng những người bạn thực sự vẫn có thể trò chuyện với nhau dù đã qua vài tháng, hay thậm chí là nhiều năm sau mà vẫn cảm thấy thân thiết hơn bao giờ hết. Số lần giao tiếp không chứng tỏ được sự bền chặt của tình bạn, mà là độ sâu sắc trong mỗi lần giao tiếp cũng như độ thấu hiểu của mối quan hệ đó, cùng với sự tôn trọng lẫn nhau. Những yếu tố này làm nên đặc điểm nổi bật của tình bạn. Dưới đây là sáu nguyên tắc đơn giản tạo nên một tình bạn bền chặt, đúng nghĩa mà bạn có thể tham khảo:

Nguyên tắc 01: Hỗ trợ, tin tưởng, và thành thật là những điều cần được cho đi

Tất cả chúng ta đều sẽ cần một mạng lưới có thể hỗ trợ - và tình bạn là nền tảng cho hệ thống xã hội có thể giúp đỡ qua lại này. Khi bạn xem xét mình là bạn của một ai đó, tức là bạn đang ngấm ngầm trở thành một phần của mạng lưới xã hội của người bạn ấy. Nếu bạn thường không xuất hiện khi người bạn của bạn cần, giá trị của bạn trong mạng lưới này sẽ dần giảm dần, người bạn ấy cũng sẽ dần không ở bên bạn khi cần thiết. Tình bạn thường được xây dựng dựa trên sự tương trợ và cho nhận qua lại, hãy ở đó vì bạn ấy, bạn ấy sẽ ở đó vì bạn.


Nếu đôi bên không thể tin tưởng và phải nói dối đối phương, cả hai không phải là bạn. Nếu không có sự thành thật, sẽ không có một tình bạn thật sự. Khi bạn không thể đối diện thẳng thắn, bạn luôn cảm thấy cần phải che giấu những hành động của mình hay không thể nói ra sự thật với một người bạn, lúc ấy mối quan hệ của các bạn sẽ được xây dựng trên nền cát lún và không thể nào có khả năng đứng vững trước những thách thức của cuộc sống. 


Nguyên tắc 02: Lắng nghe người bạn của mình

Thông thường, chúng ta sẽ chỉ “nghe một nửa” những gì người khác nói - cuộc sống riêng của bản thân đã quá phức tạp đến mức ta thường sẽ khó lòng tìm được những khoảng thời gian rảnh để thăm hỏi người khác một ngày của họ đã trải qua như thế nào. Tuy nhiên, tình bạn sẽ đòi hỏi cần phải có sự chú ý và tập trung. Nếu ta không thực sự hiểu được người bạn của ta cần gì, hay khi ta không thể hiện rõ được bản thân đang cảm thấy thế nào hay đang cần gì, lúc đó tình bạn sẽ khó mà tồn tại được.


Nguyên tắc 03: Không phán xét

Một người bạn tốt sẽ không phán xét lựa chọn của đối phương. Nếu bạn không thể hiểu được quyết định của bạn mình hay những sự lựa chọn của họ khác với những gì mà bạn cho là “tốt nhất”, vậy thì bạn không nên duy trì mối quan hệ này. Bạn bè không nhất thiết phải “thích” hay “đồng ý” với lựa chọn của nhau, nhưng người bạn tốt là người sẽ chấp nhận sự lựa chọn của bạn mình dù nó là gì đi nữa. Nếu bạn không thể chấp nhận những trải nghiệm của người khác, tốt nhất là bạn nên ngừng mối quan hệ này lại, còn hơn là khi bạn đứng bên họ nhưng lại nói xấu hoặc chỉ trích những quyết định cuối cùng của họ.


Nếu bạn thường nhảy thẳng tới kết luận và luôn cho rằng mọi thứ không tốt, hay bạn thường chỉ trích người khác, bạn không phải là một người bạn lý tưởng mà mọi người muốn gắn bó trong thời gian dài. Chúng ta thường phải chứng minh bản thân mình giỏi trong công việc và cuộc sống, nhưng đừng biến tình bạn thành nơi để ta chứng minh điều ấy.


Nguyên tắc 04: Đừng bao giờ nói sau lưng bạn của mình

Không có nguyên tắc nào nói bạn phải yêu thích bất cứ thứ gì bạn bè mặc, quý mến người yêu của bạn mình hay bất cứ sự lựa chọn nào mà họ quyết định. Tuy nhiên, có một luật bất thành văn là đừng bao giờ sử dụng đem câu chuyện của bạn mình trao đổi với người khác sau lưng người bạn ấy. 


Nguyên tắc 05: Tôn trọng bạn của mình - và giới hạn của họ

Tôn trọng giới hạn của bạn mình cũng như các câu chuyện của họ. Nhiều người sẽ cần một thời gian khó khăn để mọi người có thể tiếp cận gần gũi với họ bởi vì họ sợ bị tổn thương. Không nên tụ tập quá đông khi đến gần họ ,hãy cho họ một không gian cần thiết để họ cảm thấy thoải mái và để mối quan hệ của các bạn trở nên sâu sắc dần theo thời gian. Điều tuyệt vời của tình bạn bền chặt là khi ta cho nhau sự tự do để giao tiếp được cởi mở và trung thực. Tuy nhiên, nếu ta thực hiện nó quá nhanh và nói quá thẳng những gì bạn nghĩ - mà không trích thời gian để suy nghĩ bạn nên sắp xếp xem liệu đang có những phán xét hay việc mình đang cố gắng tìm cách “thao túng tâm lý” của người bạn của mình hay không - những điều này đều có thể gây tổn hại về lâu dài cho một mối quan hệ. Trung thực trong mối quan hệ là điều cần thiết, nhưng ta sẽ cần khéo léo và giao tiếp tinh tế cũng là một yếu tố quan trọng của các cuộc trò chuyện thẳng thắn.


Nguyên tắc 06: Tha thứ khi có thể và tìm kiếm sự tha thứ khi ta phạm sai lầm

Khi ta mong đợi ở người khác nhiều hơn những gì ta mong đợi ở chính mình thì mối quan hệ đó thường sẽ không kéo dài lâu như mình muốn. Không ai hứa có thể đem đến những điều hoàn hảo cho một mối quan hệ, vì vậy sẵn sàng chấp nhận và tha thứ cho những thiếu sót của người khác sẽ giúp bạn xây dựng tình bạn lâu dài hơn. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta có cơ hội để thừa nhận là ta đã mắc sai lầm. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng bạn đã thất bại trong một việc gì đó và không muốn mất tình bạn này, khả năng cao là người bạn của bạn sẽ tha thứ cho bạn và cùng bạn tiếp tục phát triển mối quan hệ này. 


Nguồn: Psychology News Today

Dịch: Trần Văn Toản