Bạn có cần "Bác sĩ Tâm lý"?

Bạn có cần "Bác sĩ Tâm lý"?

 

Trong xã hội hiện đại, bên cạnh những vấn đề cơm áo, gạo tiền, việc làm, gia đình, các mối quan hệ,… Con người thường xuyên đối mặt với các vấn đề tâm lý. Các biểu hiện của sự bất ổn tâm lý thể hiện ở mọi mặt đời sống và góp phần không nhỏ đẩy con người rơi vào tình trạng bế tắc, chán nản và đi lầm đường lỡ bước.


Cảm xúc cáu gắt, giận dữ, căng thẳng, mệt mỏi, suy giảm năng suất làm việc, không kiểm soát được hành vi ứng xử, dễ gây hấn, dẫn đến tắc nghẽn các mối quan hệ, làm tổn thương tình cảm của người thân, đồng nghiệp, bạn bè… Đã đến lúc vai trò của bác sĩ, chuyên gia tâm lý được xã hội nhìn nhận và đánh giá đúng đắn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhiều người vượt qua các vấn đề tâm lý.

Bàn về trị liệu tâm lý

Thông thường khi cảm thấy ốm yếu về mặt thể chất, chúng ta có xu hướng tìm đến thầy thuốc còn khi có vấn đề về mặt tâm lý, ứng xử thông thường là mặc kệ cho nó trôi đi hoặc lưỡng lự khi nhờ giúp đỡ. “Bản chất của một dịch vụ chăm sóc tinh thần thực sự là giúp mọi người tự tìm được cách đối diện, giải toả những căng thẳng, vướng mắc của bản thân chứ không phải đợi nó tích tụ, đợi nó thành tâm bệnh rồi mới đi chạy chữa!” – Thạc sĩ Tâm lý Ngô Minh Duy, Chuyên gia tham vấn trị liệu hàng đầu tại Trung tâm Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt chia sẻ.

Chuyên viên tham vấn - trị liệu tâm lý trong trường học

Mặc dù tâm lý trị liệu không phải là ngành mới ở VN nhưng do nhiều người không phân biệt rõ giữa tâm lý và tâm thần nên nghĩ là ngành mới và thường gặp khó khăn trong việc tìm được nơi thích hợp để điều trị. Sức khỏe tâm thần là bao gồm cả những bệnh lý về tâm thần và cả những vấn đề thuộc về tâm lý. Nếu có sự hỗ trợ chặt chẽ giữa một bác sĩ tâm thần (trong trường hợp cần sử dụng thuốc) với một bác sĩ tâm lý thì việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn, thời gian điều trị cũng sẽ được rút ngắn hơn – ThS Tâm lý Minh Huệ chia sẻ.

Một số biểu hiện bệnh tâm lý

Thông thường dấu hiệu giúp nhận biết tinh thần đang gặp khủng hoảng là chất lượng cuộc sống đột ngột giảm sút. Người bệnh không cảm thấy hài lòng với hiện tại của mình, với những gì mình đang có, cảm thấy mọi sinh hoạt bị cản trở, hiệu quả công việc không cao, không thể tập trung vào mục tiêu của mình, mất phương hướng, không thể thoát ra khỏi những vấn đề đang gặp phải, không đưa ra được quyết định dứt khoát, cảm thấy bị quá khứ ám ảnh hoặc quá lo lắng cho tương lai mà không tập trung vào hiện tại.

Một buổi trị liệu nghệ thuật tại trung tâm tư vấn - trị liệu tâm lý

Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ không thể hoàn thành được công việc, không thấy được giá trị của bản thân hay ý nghĩa về sự tồn tại của mình, thậm chí còn có ý nghĩ muốn chết. Cơ thể không khỏe mạnh cộng với những suy nghĩ tiêu cực, chắc chắn sức khỏe tinh thần cũng bị tụt dốc theo, từ đó mọi thứ trong cuộc sống càng thêm rối rắm.

Trị liệu tâm lý có tác dụng hay không?

Nhà tham vấn trị liệu tâm lý sẽ giúp bạn nhận ra những niềm tin phi lý cụ thể nào đang cản trở hoặc không có lợi cho bạn. Bạn sẽ học cách để đánh giá những niềm tin, giá trị, ý nghĩa và cả sự thừa nhận của mình. Ngoài ra, để việc trị liệu thành công, rất cần sự hợp tác chặt chẽ của người bệnh. Bởi khi hợp tác người bệnh sẽ trung thực với cảm xúc, suy nghĩ hay những thông tin mà mình đưa ra. Giữa bác sĩ và bệnh nhân bao giờ cũng cần phải thiết lập được một mối quan hệ tin tưởng để từ đó việc chia sẻ trở nên dễ dàng hơn.

Dựa trên vấn đề và mong muốn của bản thân, khách hàng khi đến với trung tâm tư vấn tâm lý sẽ được đội ngũ tư vấn hướng dẫn cụ thể về quyền lợi, chi phí, việc chọn lựa gói tham vấn, cách thức tham vấn và chuyên gia sao cho phù hợp nhất. Điều này, phần nào giúp cho khách hàng có một cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động tham vấn trị liệu, về sự hỗ trợ mình nhận được và quan trọng hơn hết, là giữ một tâm thế thoải mái, an tâm nhất khi bước vào quá trình làm việc với nhà tham vấn.

Tóm lại, nhiệm vụ của một bác sĩ tâm lý là chia sẻ để tìm hiểu nguyên nhân của những triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải là gì, ý nghĩa của những triệu chứng đó như thế nào để sau đó cùng với bệnh nhân tìm ra hướng giải quyết. Những phương pháp trị liệu có thể khác nhau tùy theo mỗi bệnh nhân, chẳng hạn trong trị liệu tâm lý có phương pháp hành vi, nhận thức hành vi, tâm vận động hay hội họa, yoga, thiền… 


Quản trị viên