Cùng con nuôi dưỡng lòng trắc ẩn

Cùng con nuôi dưỡng lòng trắc ẩn


Mong mỏi của các bậc phụ huynh có con nhỏ không chỉ là mong sao cho con lớn lên trở thành một người thành công, có địa vị trong xã hội. Mà con là nỗi trăn trở làm sao để con có thể trở thành một người tử tế, có ích cho xã hội. Vậy nên, việc nuôi dưỡng bên trong con hạt giống của lòng trắc ẩn là một điều mà phụ huynh cần quan tâm trong quá trình giáo dục con trẻ. Lòng trắc ẩn không chỉ khiến con trở thành một người tử tế, sống biết nghĩ cho người khác, mà nó còn mang lại cho con những giá trị sống tốt đẹp.

Tạo điều kiện cho con mở rộng mối quan hệ bạn bè:

Giao tiếp, vui chơi với bạn bè là một nhu cầu đặc biệt cần thiết đối với trẻ đang ở độ tuổi phát triển. Trẻ đặc biệt thích giao lưu, nói chuyện và kết bạn với những người ngoài vòng tròn quan hệ gia đình. Phụ huynh có thể tạo điều kiện để con được thiết lập nhiều mối quan hệ hơn thông qua việc tham gia các lớp học ngoại khóa, hoặc cho con được gặp gỡ các bạn ở lớp, hoặc xóm giềng. Điều này sẽ giúp con biết cách thiết lậo và xây dựng mối quan hệ. Đồng thời, thông qua việc tương tác, giao lưu con sẽ học được cách thấu hiểu, đồng cảm và nhận biết được nhu cầu và quan điểm của mọi người xung quanh. Đây được xem như là bước đầu của hành trình xây dựng lòng trắc ẩn cho con.

Hiểu hơn về lòng trắc ẩn thông qua sách, truyện,...:

Trẻ em đặc biệt bị thu hút bởi những mẩu truyện cổ tích, dân gian hoặc những câu truyện thường nhật đầy tính nhân văn và bài học ý nghĩa. Thay vì chỉ giáo dục dựa trên những lý thuyết khô khan, phụ huynh có thể lựa chọn những mẩu truyện ngắn giáo dục về lòng trắc ẩn. Điều này sẽ giúp trẻ ghi nhớ được các thông điệp một cách sâu sắc hơn. Đồng thời, trẻ cũng sẽ phần nào hiểu được ý nghĩa thật sự của lòng trắc ẩn.

Giáo dục lòng trắc ẩn thông qua trồng cây hoặc nuôi thú cưng.

Nền tảng của lòng trắc ẩn bắt nguồn từ tình yêu thương đối với những điều xung quanh. Nhưng với tâm hồn còn non nớt và nhỏ bé của trẻ, trẻ có thể gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng tình yêu thương với những thứ lớn lao hơn (như yêu quê hương, đất nước, con người,...). Thay vào đó, hãy đặt trẻ với một tình yêu “tương ứng”. Trẻ hoàn toàn có thể học được cách để yêu thương thông qua việc gieo mầm một hạt giống cây trồng hay nuôi một chú cún con.  

Dành thời gian cho những người lớn tuổi:

Mỗi một thành viên trong gia đình đều có những vai trò và nhiệm vụ khác nhau, nếu như cha mẹ có vai trò chính trong việc giáo dục con cái, thì ông bà sẽ có vai trò như một người “truyền lửa” cho những thế hệ trẻ trong gia đình. Với vốn sống, sự dịu dàng hay trầm lắng của những người lớn tuổi đã “trải qua nhiều sương gió cuộc đời” của ông bà hoàn toàn có thể khơi gợi lòng trắc ẩn cho trẻ thông qua những câu chuyện cổ tích, truyện dân gian,... Bên cạnh đó, việc để trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc và chăm sóc cho những người lớn tuổi sẽ giáo dục cho trẻ cách để thấu hiểu, kiên trì và cảm thông cho những người xung quanh.

Thừa nhận những cảm xúc chính đáng của trẻ:

Phụ huynh cần cho trẻ hiểu một điều rằng, mọi cảm xúc bên trong chúng ta đều mang những ý nghĩa nhất định. Điều này sẽ nuôi dưỡng nên hạt mầm của sự thấu hiểu bên trong trẻ. Cụ thể, phụ huynh có thể khen ngợi mỗi khi trẻ làm được việc gì đó tốt, hoặc động viên, an ủi mỗi khi trẻ cảm thấy không vui. Qua đó, trẻ sẽ dần học được cách để hiểu cho những cảm xúc của mọi người xung quanh, đây là nền tảng của lòng trắc ẩn trong trẻ.

Mọi điều tốt đẹp trong xã hội này đều bắt nguồn từ tình yêu thương. Vậy nên việc giáo dục sớm cho trẻ về lòng trắc ẩn, chính là chỉ cho trẻ những bước đi đầu tiên để trở thành một người tử tế. 


Tham khảo

  • IWR (2024). Nurturing Compassion in Young Children.

Theo Nhựt Minh