Lời khuyên dành cho Giáo viên khi nói chuyện với Cha Mẹ về những lo lắng về sự phát triển của con cái

Lời khuyên dành cho Giáo viên khi nói chuyện với Cha Mẹ về những lo lắng về sự phát triển của con cái


Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho Giáo viên khi nói chuyện với Cha Mẹ về những lo lắng về sự phát triển của con cái của họ.

A. Các lời khuyên

Luôn luôn

    Nói về sự phát triển thường xuyên

Nói chuyện với cha mẹ thường xuyên về sự phát triển của con - không chỉ vào những thời điểm đáng lo ngại - và cung cấp cho cha mẹ các nguồn lực để giúp theo dõi các cột mốc quan trọng tại nhà.

Ví dụ: Tôi rất vui khi được làm giáo viên mới! Tôi rất quan tâm đến việc đảm bảo tất cả các bạn nhỏ đều đi đúng hướng trong cách chúng chơi, học, nói, hành động và di chuyển phù hợp với lứa tuổi của chúng, vì vậy tôi sẽ tìm kiếm và theo dõi các mốc phát triển của Bạn A và chia sẻ sự tiến bộ của cháu với phụ huynh thường xuyên. Sẽ thật tuyệt nếu Anh/Chị cũng quan tâm đến các cột mốc quan trọng đó ở nhà và cho tôi biết những gì Anh/Chị đang thấy. Tôi có một số mẫu danh sách kiểm tra cột mốc miễn phí có thể giúp ích cho Anh/Chị.

    Chia sẻ tài nguyên

Khuyến khích các gia đình sử dụng danh sách kiểm tra các cột mốc quan trọng hoặc tập sách Những khoảnh khắc quan trọng để theo dõi sự phát triển của con họ ở nhà.

Ví dụ: Một cách tuyệt vời để theo dõi các mốc phát triển của Bạn A là sử dụng những danh sách kiểm tra này. Chúng có thể giúp Anh/Chị hiểu được những cột mốc điển hình mà trẻ cần đạt được ở độ tuổi của mình và những cột mốc cần đạt được khi trẻ lớn hơn. Anh/Chị có thể đặt chúng trên tủ lạnh để tham khảo một cách nhanh chóng và dễ dàng trong suốt cả ngày.

    Sử dụng tốt kỹ năng lắng nghe

- Lắng nghe kỹ, giao tiếp bằng mắt, gật đầu trong các tình huống thích hợp và im lặng khi cha mẹ nói.

- Lặp lại những điểm chính của phụ huynh khi bạn phản hồi để họ biết bạn đã nghe và hiểu những gì họ nói.

- Xem xét cảm giác của phụ huynh về những gì họ đang nói.

- Theo dõi và lắng nghe kỹ để tìm manh mối về những cảm xúc đó và nhận diện chúng khi bạn phản hồi.

- Hỏi thêm thông tin khi cần thiết.

Ví dụ: 

  • Có vẻ như Anh/Chị khá lo lắng và tôi nghe Anh/Chị nói rằng ở nhà anh/ chị không nghe thấy bạn A nói rõ ràng, đúng không?
  • Hãy nói về những gì anh/ chị đã nhận thấy ở nhà. Anh/Chị có thể mô tả tình huống cụ thể được không?
  • Anh/Chị còn muốn nói điều gì khác về sự phát triển của Bạn A không?


B. Khi bạn có những lo lắng muốn chia sẻ 

Làm nổi bật điểm mạnh của trẻ

- Hãy cho cha mẹ biết những gì trẻ làm tốt và những cột mốc mà trẻ đạt được.

- Giữ cho cuộc trò chuyện trong trạng thái tích cực.

Ví dụ: Chúng tôi thích có bạn A trong lớp. Bé tuân thủ nội quy lớp học và thực sự thích hát, nhảy và diễn xuất trong các tiết sinh hoạt của chúng tôi.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị tốt

- Đầu tư thời gian vào việc xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với cha mẹ và thường xuyên thảo luận về tiến trình phát triển của trẻ.

- Hoàn thành danh sách kiểm tra các cột mốc quan trọng đối với độ tuổi của trẻ để giúp phụ huynh biết rằng bạn đang đưa ra phản hồi dựa trên sự thật chứ không chỉ dựa trên cảm xúc.

Ví dụ: Kể từ lần gặp trước của chúng ta, tôi đã nhận thấy một số điều về bạn A mà tôi muốn thảo luận với Anh/Chị. Tôi đang hoàn thành một danh sách kiểm tra các cột mốc quan trọng cho cháu, giống như tôi làm với tất cả trẻ em, và tôi thấy cháu đang đáp ứng rất tốt các cột mốc nhận thức của mình. Tuy nhiên, cháu chưa đạt được một số cột mốc về ngôn ngữ/giao tiếp của mình. Đầu tiên, tôi nhận thấy rằng Bạn A nói chưa đủ rõ ràng để mọi người có thể hiểu được. Như Anh/Chị có thể thấy trong danh sách kiểm tra, một đứa trẻ 5 tuổi điển hình thường sẽ có khả năng nói rõ ràng.

Khuyến khích cha mẹ chia sẻ mọi lo lắng với bác sĩ của trẻ

- Hãy nhớ rằng vai trò của bạn không phải là đưa ra hay thậm chí là đề xuất chẩn đoán.

- Nhắc nhở cha mẹ về tầm quan trọng của việc hành động sớm khi xuất hiện các mối quan ngại.

Ví dụ: Có thể chẳng có gì phải lo ngại, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ/ chuyên viên tâm lý của bạn A về điều này trong vài tuần tới để chắc chắn hơn. Mang theo danh sách kiểm tra này khi Anh/Chị đến gặp bác sĩ, chia sẻ chúng và nhờ bác sĩ kiểm tra sự phát triển của cháu. Điều này sẽ giúp bác sĩ và bạn biết liệu Bạn A có cần thêm sự hỗ trợ nào hay không. Nhận trợ giúp sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn! Hãy cho tôi biết nếu Anh/Chị cần bất cứ điều gì từ tôi cho cuộc hẹn với bác sĩ đó.

Theo dõi trạng thái của gia đình sau vài tuần

Ví dụ: Cảm ơn Anh/Chị đã dành thời gian để gặp lại tôi. Trong lần cuối nói về sự phát triển của bạn A, chúng ta đã lo ngại về kỹ năng ngôn ngữ của bé. Anh/Chị đã có thể nói chuyện với bác sĩ/ chuyên viên tâm lý của bạn A về điều này chưa?


C. Cách phản hồi

Nếu Cha Mẹ không đồng ý với bạn về hành vi hay khả năng của con họ

Hãy thử: Đôi khi trẻ cư xử ở nhà khác với ở trường. Tôi chỉ có thể chia sẻ với Anh/Chị những gì tôi đã thấy trong lớp học. Không biết Bạn A hành động thế nào khi ở cạnh những đứa trẻ khác trong khu phố?

Nếu Cha Mẹ tức giận hoặc khó chịu

Hãy thử: Tôi hiểu rằng bạn đang buồn. Giống như Anh/Chị đây, tôi cũng muốn những gì tốt nhất cho Bạn A. Đó là lý do tại sao việc chia sẻ với Anh/Chị những gì tôi đang thấy lại rất quan trọng đối với tôi. Nếu cháu cần thêm sự trợ giúp, tôi muốn cháu có cơ hội nhận được điều đó càng sớm càng tốt. Anh/ Chị muốn thảo luận về các câu hỏi và mối quan tâm của mình ngay bây giờ hay Anh/Chị muốn suy nghĩ về điều này nhiều hơn một chút và gặp lại nhau (trong vài ngày, tuần tới, v.v.)?

(Nếu phụ huynh chưa được cung cấp danh sách kiểm tra các cột mốc quan trọng, hãy đưa cho phụ huynh một danh sách và đề nghị họ điền vào rồi mang về.)

Nếu Cha Mẹ báo cáo rằng bác sĩ bảo “Cần thêm thời gian để theo dõi tình hình của trẻ”

Hãy thử: Mặc dù sự thật là mỗi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng của mình, nhưng có những cột mốc nhất định mà chúng ta thường thấy ở hầu hết trẻ em ở độ tuổi của Bạn A. Nếu lo ngại, Anh/Chị có thể liên hệ trực tiếp với bộ phận can thiệp sớm để xem liệu Bạn A có đủ điều kiện nhận trợ giúp thông qua các dịch vụ miễn phí hoặc được hỗ trợ một phần chi phí hay không. Anh/Chị có thể không cần đợi sự giới thiệu của bác sĩ. Hành động sớm có thể tạo ra sự khác biệt thực sự đối với Bạn A, vì vậy tốt hơn hết Anh/Chị nên tìm hiểu cho chắc chắn. Nếu sự phát triển của trẻ đang bị cản trở ở một mức độ nào đó và điều này phù hợp điều kiện nhận trợ giúp, Anh/Chị có thể bắt đầu các dịch vụ đó ngay lập tức và sau đó liên hệ với bác sĩ.


D. Hãy chú ý đến sự khác biệt về văn hóa

Không phải tất cả các nền văn hóa đều chú trọng đến các cột mốc phát triển cụ thể của trẻ. Khi giao tiếp với gia đình, hãy lưu ý đến những thành kiến văn hóa của chính bạn trong việc đưa ra quyết định về cách giao tiếp với gia đình.


Tham khảo

  •  https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/pdf/parents_pdfs/tipstalkingparents.pdf