Kỹ năng thuyết trình

Kỹ năng thuyết trình


Thuyết trình một trong những kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng và cần thiết, từ lãnh đạo, nhân viên đến học sinh, sinh viên hẳn ai cũng đã từng trải qua nhiều lần đứng thuyết trình trước đám đông, tuy nhiên đa số chúng ta thường có các trạng thái tương tự nhau như mất tự tin, run sợ, lo lắng, sợ nói sai, nói không hay,...

Trong một khảo sát cho biết có tới 75% người nói rằng họ sợ nói trước đám đông. Vì thế, kỹ năng thuyết trình vừa là nỗi ám ảnh, vừa là “vũ khí” mà ai cũng muốn sở hữu. Vậy kỹ năng thuyết trình là gì?, Cần làm gì để thuyết  trình một cách thật hiệu quả?. 

KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH LÀ GÌ?  

Thuyết trình là quá trình truyền đạt thông tin, sự trình bày bằng lời trước người nghe về một vấn đề nào đó, nhằm cung cấp thông tin hoặc thuyết phục gây ảnh hưởng đến người nghe và tạo dựng quan hệ. 

Kỹ năng thuyết trình thực chất là khả năng vận dụng những kiến thức, kỹ năng cần thiết vào quá trình trình bày, để diễn đạt vấn đề, giúp người khác dễ dàng hiểu được nội dung muốn trình bày. 


CÁC YẾU TỐ LÀM NÊN MỘT BUỔI THUYẾT TRÌNH HIỆU QUẢ 

Tone giọng và tốc độ khi thuyết trình: một trong số những yếu tố quan có sức ảnh hưởng đến kết quả bài thuyết trình mà bản thân người thuyết trình đôi khi không nhận ra đó là: nói nhanh khi hồi hộp, nói quá to, lên giọng không đúng trọng tâm, thường xuyên dùng chèn các từ “ừm” “ờ”… Điều này rất dễ gây cảm giác khó chịu cho người nghe.

Trang phục: người thuyết trình cần lựa chọn cho mình trang phục phù hợp với người nghe, với hoàn cảnh và đặc điểm của nơi mình sẽ thuyết trình. Để thể hiện sự tôn trọng người nghe, trang phục cần chỉnh tề, phù hợp. Không nên mặc quá sang trọng, nhưng cũng không nên quá xuề xòa.

Phản hồi và tương tác với khán giả: khi thuyết trình cần quan tâm đến khán giả bằng cách đặt một số câu hỏi tương tác thú vị, nên bắt đầu bài thuyết trình bằng các câu hỏi đơn giản “ có hoặc không”, và khán giả chỉ việc giơ tay trả lời, điều này giúp việc kết nối với người nghe trở nên thuận lợi hơn. 

Thời gian: người thuyết trình, cần phải chú ý quản lý thời gian, không nên kéo dài nhất là buổi trưa người nghe đã mệt, đói nên sẽ không chú ý nghe bài giảng, nếu thuyết trình quá dài không có thời gian nghỉ, người nghe có thể sẽ đi ra, đi vào lộn xộn, khiến người khác không tập trung. 

Nội dung, cấu trúc bài thuyết trình: nhìn chung nội dung, cấu trúc một bài thuyết trình đóng vai trò quan trọng góp phần mang lại cảm giác logic, mạch lạc, rõ ràng có sự phân tích, luận cứ, có giải quyết vấn đề để làm sáng tỏ nội dung thuyết trình, đây được xem là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công cho buổi thuyết trình.


NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH ĐỂ KHÔNG PHÁ HỎNG BUỔI THUYẾT TRÌNH 

Thiếu chuẩn bị: trong quá trình thuyết trình chúng ta luôn có thể gặp phải nhiều tình huống phát sinh bất ngờ vì vậy mà công tác chuẩn bị trở nên rất quan trọng, chuẩn bị càng kỹ càng, tỉ lệ rủi ro càng nhỏ, cơ hội thành công càng lớn. Hầu như các bài thuyết trình thành công đều có một điểm chung đó là sự chuẩn bị một cách chu đáo, ít khi mà bạn có thể thuyết trình thuyết phục được nếu bạn chỉ ứng khẩu, càng chuẩn bị nhiều bài thuyết trình của bạn sẽ dễ dàng thành công. 

Nội dung thiếu trọng tâm: có nhiều bài sau khi thuyết trình xong, khán giả không nhớ bất cứ nội dung nào của bài, bởi bài thuyết trình lạc đề, lan man, thiếu tập trung vì người thuyết trình thiếu các kỹ năng cơ bản trong việc xây dựng nội dung và truyền tải thông điệp. 

Đọc trước đám đông: triệu chứng của bệnh này là chỉ chăm chăm đọc toàn bộ những gì mình đã soạn ra trong tài liệu mà quên không tương tác với người nghe, khiến cho người nghe cảm thấy nhàm chán, thiếu sự lôi cuốn. 

Ánh mắt: đối với những người thiếu kinh nghiệm thuyết trình ánh mắt thường đảo liên tục, hay nhìn lên nhìn xuống, liếc ngang liếc dọc. Bạn cần chú ý việc lựa chọn hướng nhìn trong khi thuyết trình, bởi mỗi ánh mắt đều nói lên biểu hiện của bạn, ví dụ như ánh mắt nhìn xuống có nghĩa là người thuyết trình đang xấu hổ, sợ hãi hay hối hận vì một điều gì đó,... 

Nét mặt: nét mặt biểu hiện thái độ, cảm xúc của con người như: vui, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận, hoài nghi… do đó, khi thuyết trình, nét mặt phải thể hiện được cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh, tạo dựng uy tín cho mình và mang lại niềm tin và sự hứng thú cho người nghe.  

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể không phù hợp: một bài thuyết trình hay là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 yếu tố: ngôn từ, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, điệu bộ, nụ cười..) trong đó ngôn ngữ cơ thể chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong việc tạo nên sự lôi cuốn của bài thuyết trình. Nếu chúng ta quá lạm dụng lời nói, trong khi ngôn từ thì quá khô khan học thuật thì tác động của bài thuyết trình tới học viên sẽ rất hạn chế. 

Lạm dụng slide: khán giả sẽ có thể đọc gần như ngay lập tức các slide, do đó nếu bạn đọc các slide đó, bạn sẽ không thu hút được sự chú ý của khán giả. Các slide của bạn nên làm nổi bật các điểm trọng tâm, không bao giờ nên là toàn bộ các điểm chính.

Tham khảo

  • https://cloudoffice.com.vn/tin-tuc-su-kien/bo-cuc-mot-bai-thuyet-trinh-can co-nhung-phan-nao 
  • https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2022/07/B%C3%80I-4K%E1%BB%B8-N%C4%82NG-THUY%E1%BA%BET-TR%C3%8CNH.pdf
  • https://glints.com/vn/blog/7-bi-quyet-cai-thien-ky-nang-thuyet-trinh-truoc-dam-dong-cua-ban/#.ZAN8MHZBy5c 
  • Tài Liệu Môn Học Kỹ Năng Mềm Kỹ Năng Thuyết Trình  https://eaut.edu.vn/tin-tuc/ky-nang-thuyet-trinh-truoc-dam-dong/

Yến Nhi dịch