Sức khỏe sinh sản và những lo lắng về mang thai tuổi vị thành niên

Sức khỏe sinh sản và những lo lắng về mang thai tuổi vị thành niên


Sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên là tình trạng khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những yếu tố liên quan tới cấu tạo và hoạt động của bộ máy sinh sản ở tuổi vị thành niên.

Vị thành niên là giai đoạn có sự phát triển rõ rệt bao gồm sự lớn lên và trưởng thành của cơ thể, sự thay đổi về tâm – sinh lý và các mối quan hệ xã hội. Chính vì đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn trưởng thành nên sự phát triển của cơ quan sinh dục và cơ thể đã chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động sinh sản. Biểu hiện đầu tiên ở các em nữ là hiện tượng kinh nguyệt và ở các em nam là hiện tượng xuất tinh.  

Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai; Quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; Quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân hoặc sự cố từ tình huống bị cưỡng ép, xâm hại,… Là nguy cơ cho việc trẻ vị thành niên mang thai.

Những lo lắng về mang thai tuổi vị thành niên

Chậm kinh hoặc mất kinh

Điều này lại khó khăn với trẻ ở tuổi vị thành niên, khi mà chu kỳ kinh nguyệt của trẻ chưa đều đặn. Vấn đề này cũng khó xác định đối với những trẻ bị tắt kinh do chế độ ăn uống hoặc tập luyện thể thao quá độ. Đó là lý do nhiều trẻ không phát hiện mình đang mang thai ở giai đoạn đầu. 

  • Buồn nôn và nôn. 
  • Thay đổi ở ngực: vú căng và nổi tĩnh mạch quanh quầng vú 
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao 
  • Thay đổi về da: Nám da, sẫm màu ở núm vú 
  • Đột ngột ác cảm dữ dội với một số loại thức ăn. 
  • Chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu của thai kì có thể nhầm lẫn với ra máu kinh nguyệt bình thường 
  • Mệt mỏi thường xuyên 
  • Đi tiểu nhiều 

Vì đang ở độ tuổi dậy thì có nhiều thay đổi, phát triển về cơ thể và phải học tập, hoạt động thể chất nhiều nên khó để xác định theo các dấu hiệu cụ thể. Tuy nhiên, nếu xuất hiện một số biểu hiện như trên và có quan hệ tình dục thì cần lưu ý và đi thăm khám để có kết quả chính xác sớm nhất. 

Bị thiếu sự chăm sóc trước khi sinh 

Bạn nữ khi mang thai nếu trong tình trạng giấu giếm và không nhận được sự giúp đỡ từ người lớn có nguy cơ không được chăm sóc trước khi sinh đầy đủ. Việc chăm sóc trước khi sinh rất quan trọng, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ. Cần có những kiểm tra sàng lọc sức khỏe cho mẹ và thai nhi, theo dõi sự phát triển của thai nhi và xử lý nhanh chóng mọi biến chứng phát sinh.  

Các rủi ro về sức khỏe cho cả mẹ và bé 

Khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: nguy cơ tăng huyết áp trong thai kỳ cao hơn phụ nữ ở độ tuổi 20-30. Đồng thời họ cũng có nguy cơ cao bị tiền sản giật- một tình trạng bệnh lý nguy hiểm kết hợp với huyết áp cao và dư thừa protein trong nước tiểu, sưng tay, mặt và tổn thương nội tạng. 

Hơn nữa, tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Dẫn đến, dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ.  

Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS do quan hệ tình dục không an toàn. 

Nếu người mẹ chọn phương án phá thai ở tuổi vị thành niên thì có thể có những biến chứng âm thầm, kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, như hở eo tử cung, dính buồng tử cung, tắc ống dẫn trứng, bệnh nhân có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung ở những lần mang thai sau, thậm chí vô sinh... 

Có những tổn thương về tâm lý 

Trở thành mẹ sớm khiến các bạn nữ dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm. Điều này làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh cho “người mẹ trẻ”. Việc đối mặt với một sự kiện bất ngờ nằm ngoài khả năng xử lý có thể khiến những cô gái khi mang thai ở tuổi vị thành niên không dám nói với bố mẹ, cảm thấy sợ hãi, bị cô lập. 

Không có sự giúp đỡ của gia đình hoặc người lớn, họ thường không sinh hoạt, nghỉ ngơi đầy đủ, không đi khám thai thường xuyên. 

Không ít trường hợp đối mặt với những chỉ trích nặng nề không mong muốn sẽ làm trẻ tổn thương và tự trách bản thân mình, dẫn đến những hành vi bồng bột. 

Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống 

Việc mang thai khi còn đang ở độ tuổi này trực tiếp ảnh hưởng đến việc học. Dù lựa chọn theo cách xử lý nào thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống của người mẹ vị thành niên vì trẻ chưa đủ điều kiện, kiến thức, kỹ năng xã hội. 

Chủ động tìm hiểu những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính, cách phòng ngừa và ứng phó với những tình huống không mong muốn. 

Trang bị những kiến thức về biện pháp tránh thai phù hợp, ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Biện pháp tránh thai phù hợp ở độ tuổi vị thành niên có thể kể đến là: sử dụng bao cao su, uống thuốc tránh thai (chỉ sử dụng khi trên 15 tuổi), các phương pháp tránh thai truyền thống, …  

Tìm kiếm người hỗ trợ, học cách tự bảo vệ trong các trường hợp cảm thấy không an toàn, bản thân có nguy cơ bị lạm dục, xâm hại tình dục.  

Không nên quan hệ tình dục sớm ở độ tuổi vị thành niên. 

Cảnh giác và nói không với các trường hợp bị lôi kéo sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện.  

Về phía phụ huynh, nhà trường và cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục cho trẻ vị thành niên. Hơn nữa cần quan tâm để phát hiện sớm và hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản khi trẻ mang thai. 

Đầu tiên, khi có những nghi ngờ hoặc kết quả thử thai thì hãy cố gắng giữ bình tĩnh và mạnh dạn chia sẻ cảm xúc của mình với người mà mình tin tưởng như bạn trai, cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo, chuyên viên tư vấn tâm lý ở trường học, ... Nếu cảm thấy quá khó để chia sẻ, hãy gọi đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được giúp đỡ.  Sau đó, nên đến bệnh viện, phòng khám, cơ sở dịch vụ về sức khỏe sinh sản hợp pháp để xác nhận lại lần nữa thông tin chính xác về việc mang thai để được hướng dẫn cách xử trí  phù hợp. Bình tĩnh, cân nhắc ra quyết định phù hợp sau khi được tư vấn.  Vị thành niên nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe khi quyết định phá thai, giữ thai, sinh con, nuôi con… theo hướng dẫn của người chăm sóc/người bảo hộ và nhân viên y tế có chuyên môn. Các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín sẽ đảm bảo về việc tư vấn riêng tư, bảo mật thông tin. Tuyệt đối không nghe giới thiệu đến các cơ sở thăm khám chui, không uy tín. 

Việc tìm một nguồn lực hỗ trợ dù chỉ là một người ở thời điểm này là rất quan trọng. Việc làm mẹ mang lại những cung bậc cảm xúc chưa từng có cùng với nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các bạn nữ vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, đừng lo lắng mà hãy thử liên lạc với gia đình, người lớn xung quanh có thể tin tưởng và cha của đứa bé để nhận sự hỗ trợ về mặt tình cảm và kinh nghiệm thực tế.  

Nếu bạn bè, con cái, người quen của bản thân mang thai ở tuổi vị thành niên thì không nên lên án, chỉ trích gay gắt hoặc thờ ơ với họ. Nên cố gắng bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ những trẻ vị thành niên thông qua sự lựa chọn của họ. Bởi, họ cũng chỉ là những đứa trẻ đang đối mặt với khó khăn và rất cần có sự đồng hành một cách tế nhị, không phán xét.

Tham khảo

  • MANG THAI TUỔI VỊ THÀNH NIÊN, 24/6/2019. Nguồn: Vietnam Social Health  Revolution. Trích xuất từ: https://www.healthcarebook.org/post/mang-thai-tuoi- vi thanh-nien 
  • Các biện pháp phòng tránh thai ở tuổi vị thành niên, 03/12/2009. Hội Nữ Hộ Sinh Việt  Nam. Trích xuất từ: http://www.vam.org.vn/?cat_id=116&id=70 
  • Teen Pregnancy: Your (First) Four Steps. 23/9/2020. By: Legacy Pregnancy Center  Donor. Trích xuất từ: https://pregnancysheridan.org/teen-pregnancy-your-first-four steps/