Những bước cụ thể để chăm sóc cảm xúc

Những bước cụ thể để chăm sóc cảm xúc


Nhiều người vẫn nghĩ rằng lắng nghe và chăm sóc cảm xúc là: la hét, động tay động chân vì giận dữ, nằm ườn trên giường cả ngày vì buồn hoặc chán nản, trốn trong nhà vì sợ hãi những tai nạn ngoài kia,... Nếu bạn cũng có những suy nghĩ ấy, thì đó thật sự là một sai lầm. Đó không phải là lắng nghe, vỗ về hay chăm sóc cảm xúc mà bạn đã để cảm xúc chi phối bản thân. 

Chăm sóc cảm xúc là gì?

Chăm sóc cảm xúc không có nghĩa là sẵn sàng đón nhận và chìm đắm hoàn toàn trong các cảm xúc, từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Chăm sóc cảm xúc, có những bước cụ thể mà bạn có thể tham khảo và đó là cả một quá trình luyện tập.

Chăm sóc cảm xúc như thế nào?

Khi một cảm xúc trỗi dậy trong bản thân, hãy lắng nghe nó

Bạn có thể dành vài phút, công nhận cảm xúc này: Tôi buồn bã. Bạn trải nghiệm cảm xúc, để dòng năng lượng đi qua cơ thể mà không cố gắng kháng cự, không cố gắng ngăn cản hay cố gắng phán xét đúng sai, nên hay không nên có cảm xúc này. Chúng ta tìm hiểu những suy nghĩ song hành với cảm xúc mà không đè nén hay loại bỏ nó. 

Sử dụng các nguyên tắc đạo đức để quyết định liệu bản thân chúng ta sẽ làm gì cho phù hợp

Sau khi tìm hiểu những suy nghĩ song hành với cảm xúc là lúc chúng ta sử dụng các nguyên tắc đạo đức để quyết định liệu bản thân chúng ta sẽ làm gì cho phù hợp. Chúng ta đánh giá tình hình, chọn một hành vi vừa thỏa mãn được cảm xúc của bản thân, vừa không vi phạm quy tắc đạo đức. 

Thi thoảng, chúng ta cần thay đổi cách tư duy về nguyên nhân gây ra cảm xúc của mình

Nếu bạn cho rằng đó là một chuyện thật khủng khiếp, tình hình sẽ không thể chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn và cảm xúc của chúng ta cũng sẽ rất mãnh liệt. Hãy xem xét suy nghĩ của bản thân về tình huống tạo ra cảm xúc một cách tường tận, bạn sẽ có cách hành xử phù hợp nhất với cảm xúc của mình. 

Có những lúc, chúng ta tự mình xoay sở với cảm xúc của mình, và cũng có lúc, chúng ta cần chia sẻ cảm xúc của mình với người khác

Đây là cách giúp chúng ta giải tỏa cảm xúc của mình, đồng thời cũng tạo ra sự gần gũi, thân mật trong một mối quan hệ. Người ta gọi sự chia sẻ này là thành thật về mặt cảm xúc.

Trong những trường hợp bạn gặp quá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cảm xúc, đừng ngần ngại, bạn có thể tìm đến một chuyên gia hoặc người có kiến thức chuyên môn để hỗ trợ bạn chăm sóc cảm xúc của mình.

Bạn chỉ cần hiểu, cảm xúc cần được chăm sóc và bạn hoàn toàn có thể học được cách để chăm sóc. Điều quan trọng là, bạn cần lưu ý đến cảm xúc của mình, cần tìm sự trợ giúp hữu hiệu nếu bạn gặp khó khăn.

Theo: Psygital