Hội chứng "Kẻ mạo danh": Tại sao phải "ép" bản thân thành một kẻ bất tài?

Hội chứng "Kẻ mạo danh": Tại sao phải "ép" bản thân thành một kẻ bất tài?



Hội chứng "Kẻ mạo danh": Tại sao phải "ép" bản thân thành một kẻ bất tài?

Hội chứng "kẻ mạo danh" (Impostor Syndrome)

Hội chứng " kẻ mạo danh" là một hội chứng tâm lý gặp ở những người giỏi giang, tài năng và có những thành công nhất định. Nhưng ở họ vẫn luôn tồn tại một nỗi sợ rằng mình không xứng đáng có được thành tích to lớn như vậy. 

Hội chứng này xuất hiện lần đầu trong chủ đề "Hội chứng kẻ mạo danh ở phụ nữ thành đạt" của tiến sĩ Pauline R. Clance và Suzanne A. Imes vào năm 1978. Theo nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thành đạt trong cuộc sống và sự nghiệp thường có lối khuynh hướng suy nghĩ rằng mọi thành công họ có được đều nhờ vào may mắn hoặc sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh.

Hội chứng "kẻ mạo danh" không hề xa lạ, nó có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào và thường xuyên ngay cả ở trong trường học, nơi làm việc thậm chí là trong gia đình. Theo nhà báo khoa học Olivia Godhill thì hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) có thể diễn ra với 70% dân số thế giới. 


Nghi ngờ chính sự thành công của mình 

Trước bao nhiêu thành quả và được sự công nhận từ nhiều người xung quanh thì cá nhân mắc hội chứng "kẻ mạo danh" vẫn bị ám ảnh rằng họ là một người thất bại không đủ năng lực mặc dù có đủ minh chứng rõ ràng cho thấy họ là người có kỹ năng tốt. 

Họ luôn tự "đánh lừa" suy nghĩ bên trong của mình bằng những lỗi lầm nhỏ khi thực hiện một công việc nào đó. Không nhìn nhận một cách tổng quát quá trình cố gắng của bản thân, cứ như thế mà họ đánh mất đi sự tự tin, quyết đoán mà đó lại là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của một người. 

Một đặc điểm thường đi cùng với hội chứng "kẻ mạo danh" là tính cầu toàn. Một số người khi làm việc gì đó luôn muốn bản thân đạt được thành tích cao và khi không đạt được mục tiêu đó họ thường sẽ bắt đầu nghi ngờ năng lực của bản thân. Họ có xu hướng dằn vặt bản thân trong thời gian dài và sau đó dường như không có thành công nào có thể làm thỏa mãn họ. 


Ảnh hưởng của hội chứng "kẻ mạo danh"

Người mắc bệnh hội chứng "kẻ mạo danh" có xu hướng mong muốn trở thành người đặc biệt, xuất sắc nhất trong một tập thể hay tổ chức. Chính điều này đã thôi thúc họ làm việc siêng năng hơn bất kỳ ai khác và đến khi được như ý nguyện và được mọi người tung hô, họ bắt đầu đối mặt với áp lực là sự thất bại, sợ sự tung hô đó sẽ biến mất vì họ không thể vượt qua chính mình. 

Người mắc hội chứng "kẻ mạo danh" thường nghi ngờ chính nỗ lực mình bỏ ra kể cả họ đã cố gắng rất nhiều. Giống như đang "ép" bản thân thành một kẻ bất tài. Hậu quả là họ phải chật vật rất nhiều trong cuộc sống để cảm thấy hài lòng. Họ thường không có thời gian nghỉ ngơi vì chỉ mãi chăm chỉ và dành nhiều thời gian hơn những người xung quanh để chứng minh giá trị của bản thân mình. 

Đây không phải là bệnh lý thông thường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng có thể ảnh hưởng đến lý tưởng thành công và hạnh phúc của rất nhiều người.  Cảm giác lo lắng khi bị phát hiện mình không đủ giỏi, bị coi thường và tệ hơn là bị cô lập. Chúng dần phát triển thành nỗi nghi ngờ bản thân sợ thất bại và tự hủy hoại bản thân gây cản trở cho sự nghiệp thăng tiến sau này. 


Nên vượt qua "góc khuất" đó như thế nào là tốt nhất?

Đón nhận bản thân

Nếu chính chúng còn không tin tưởng bản thân thì mong muốn có được sự nhìn nhận từ người khác là không thể. Thành công thường luôn là thành quả của sự nỗ lực. Nếu bạn đủ chăm chỉ, đủ nghị lực thì thành công đó chắc chắn thuộc về bạn. Chính sự nỗ lực không ngừng đó mới tạo nên may mắn của ngày hôm nay nên đừng tự "lừa dối" bản thân rằng kết quả đó là do hai từ "may mắn". 

Muốn vượt qua hội chứng "kẻ mạo danh", đầu tiên là phải biết đón nhận thành công của mình. Thoát gỡ hết mọi rào cản khiến bạn tự ti khi nhìn thấy thành công mà mình đã đổ mồ hôi, nước mắt có được.

Trò chuyện với chính mình

Trong tâm lý học ứng dụng, các nguyên tắc rèn mình luyện người với NLP (Neuro Linguistic Programming) thì sự thay đổi cần thiết phải đến từ tư duy và suy nghĩ.

Hãy tập thói quen tự nói chuyện với chính mình bằng những lời động viên tích cực. Hãy nghĩ về những thứ bạn đã đạt được, và tại sao chúng lại quan trọng. Lưu lại những email hay những lời khen ngợi, động viên từ người khác để tự nhắc rằng bạn đã tạo ra sự khác biệt tốt đẹp hơn cho cuộc sống của họ. Khi bạn cảm thấy mất tự tin vì một vấn đề nào đó, hãy nghĩ về điều bạn làm tốt trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Tìm kiếm sự hỗ trợ 

Trò chuyện với một người bạn thân thiết, một đồng nghiệp đáng tin cậy, có thể đem lại rất nhiều điều hữu ích. Bạn sẽ nhận ra rằng một số đồng nghiệp của bạn cũng đã từng gặp những khó khăn tương tự.

Cũng đừng ngại ngần tìm kiếm sự hỗ trợ từ các Chuyên gia Tâm lý, sự hỗ trợ về mặt tinh thần một cách chuyên nghiệp sẽ giúp cả bạn đối diện với khó khăn hiệu quả hơn.  

Có rất nhiều phương pháp để vượt qua hội chứng "kẻ mạo danh" nhưng để vượt qua hoàn  toàn thì những thay đổi cần xuất phát từ bên trong bạn. Hãy suy nghĩ "thoáng" hơn, nhìn nhận vấn đề dựa trên thực tế và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi cần, cơn ác mộng "kẻ mạo danh" trong bạn sẽ dần biến mất.

Nguồn: Psygital