Làm thế nào để bạn bè hiểu tâm trạng buồn bã của mình?

Làm thế nào để bạn bè hiểu tâm trạng buồn bã của mình?

Bạn thân thì phải tự biết lúc nào bạn mình đang có chuyện buồn chứ? Tui để mặt buồn rượi bà không nhận ra tui đang buồn luôn, vậy mà cũng kêu là bạn? Tại sao chẳng ai hiểu được tâm trạng của mình?


Một môn điểm kém, một lần làm vỡ ly bị mắng, chú mèo ở nhà đi lạc tìm mãi vẫn chưa thấy về,...khi những chuyện không như ý xảy ra và tâm trạng trở nên thật tệ, ai cũng muốn mọi người xung quanh hiểu được cảm giác buồn bã của mình. Thậm chí, chúng mình còn dễ mặc định: Không cần nói ra người khác vẫn biết mình đang buồn. Nhưng thực tế không phải vậy, ai cũng bận rộn với cuộc sống của mình, với những mối quan tâm riêng. Chúng mình cần phải học cách chia sẻ nếu muốn bạn bè hay mọi người xung quanh hiểu được tâm trạng buồn bã của mình.

Tại sao chúng mình cần chia sẻ với bạn bè khi tâm trạng buồn bã?

Giảm bớt tâm trạng buồn bã

Khi có những chuyện không vui, chúng mình có xu hướng nghĩ mãi về chúng. Dần dần cảm xúc tiêu cực xâm chiếm, tích tụ bên trong sẽ khiến cơ thể chúng mình luôn uể oải, mệt mỏi. Chia sẻ với bạn bè là cách để nỗi buồn được “gọi tên”, được giải tỏa, từ đó giúp tâm trạng chúng mình thoải mái hơn.

Tìm ra cách giải quyết

Khi đang mắc kẹt trong nỗi buồn, chúng mình sẽ chẳng thấy gì ngoài sự buồn bã của bản thân. Bạn bè thì khác, chia sẻ với bạn bè giúp chúng mình cái nhìn khách quan hơn, điều chỉnh tâm trạng tốt hơn, từ đó tìm thấy cách giải quyết cho vấn đề đang khiến mình “đau đầu”.

Trở nên thân thiết hơn với bạn bè

Chia sẻ và thổ lộ những cảm xúc vui buồn sẽ giúp tụi mình hiểu nhau hơn, sợi dây tình bạn từ đây cũng được “thắt chặt”, gắn kết hơn đấy!


4 Bước cần làm để bạn bè hiểu được tâm trạng buồn bã của bạn

Làm sao để bạn bè hiểu được tâm trạng buồn bã của bạn? Hãy thử lần lượt 4 bước sau nhé!

1. Lựa chọn người có thể lắng nghe bạn

Tâm trạng buồn bã không phải là điều có thể nói với ai. Đôi khi chính bạn bè cũng đang có chuyện buồn và câu chuyện của bạn sẽ làm bạn mình thêm nặng nề. Hơn nữa, nếu bạn ấy không lắng nghe thì mình còn cảm thấy tệ hơn. Vậy nên, hãy lựa chọn người có khả năng lắng nghe bạn nhé!

2. Đề nghị bạn bè lắng nghe

Bây giờ bạn đã biết ai sẽ lắng nghe mình rồi, bước tiếp theo, hãy mở lời hỏi người bạn của mình để chắc chắn rằng bạn ấy sẵn sàng lắng nghe mình ngay hiện tại.

3. Truyền tải mức độ và lí do của nỗi buồn

Đừng chỉ nói rằng mình đang buồn. Bạn bè của bạn không biết chuyện gì xảy ra nên cũng không biết cần an ủi bạn như thế nào. Hãy kể thêm một chút rằng tại sao bạn buồn và buồn như thế nào để bạn bè hiểu hơn về những chuyện đang xảy ra với bạn nhé!

4. Nói lời cảm ơn

Nghe xong một câu chuyện buồn, ai cũng sẽ thấy nặng nề một chút. Vì vậy đừng quên cám ơn bạn bè đã lắng nghe mình nhé! Bạn bè sẽ thấy thoải mái vì sự giúp đỡ của mình được ghi nhận còn bạn thì cũng khép lại được những chuyện không vui vẻ và nhẹ nhõm hơn.


Nguồn: Psygital